26. “Bát nhã” là gì? “Bát nhã” là trí tuệ. Khi mà trong mọi thời, niệm
niệm liên tục không ngu độn, luôn luôn tu hành trí tuệ, đó gọi là Bát nhã
hành. Một niệm ngu là Bát nhã đứt đoạn, một niệm trí là Bát nhã phát sanh.
(Trong tâm luôn có vô minh). Thiên hạ thường tự nói: “Tôi tu Bát nhã” song
Bát nhã vốn vô hình tướng, đó chính là tánh của trí tuệ.
“Ba la mật” là gì? Đó là phiên âm của chữ Phạn Ấn Độ, có nghĩa là đến
bờ bên kia. Nếu chư vị hiểu nghĩa này lập tức xa lìa sanh diệt, nếu chấp
trước vào cảnh, sanh diệt lập tức khởi. Thí dụ sóng khởi trên nước - đó là
những gì xảy ra ở bờ bên này. Xa lìa cảnh và đoạn sanh diệt, giống như xuôi
theo dòng nước lớn. Do đó mới gọi là đến bờ bên kia, hay “Ba la mật”. Kẻ
mê niệm ngoài miệng, người trí tu hành trong tâm. Nếu lúc chư vị niệm có
vọng tưởng sanh khởi trong tâm, ngay cái vọng tưởng ấy cũng không phải là
thật có. Nếu như chư vị tu hành từng niệm niệm liên tục, đó mới gọi là chơn
hữu. Ai ngộ được pháp này, tức là ngộ pháp Bát nhã, tu Bát nhã hành.
Không tu là phàm phu, chỉ cần một niệm tu hành thôi, Pháp thân của mình
bình đẳng với Phật. Thiện tri thức, chính phiền não là Bồ đề. Khi tâm tưởng
quá khứ bị mê thì đó là phàm phu, khi niệm tưởng tương lai được giác ngộ,
đó là Phật. Này các thiện tri thức, Ma ha Bát nhã Ba la mật đa là tối tôn, tối
thượng, đệ nhất, không trụ, không đi, không đến. Chư Phật ba đời đều từ đó
mà ra. Bằng đại trí tuệ, chúng ta đến được bờ bên kia và đủ phá vỡ được
phiền não và trần lao của ngũ ấm. Bởi vì Bát nhã Ba la mật đa là tối tôn, tối
thượng, đệ nhất, nếu như chư vị tán thán pháp tối thượng thừa này và tu
hành theo đó, nhất định sẽ thành Phật. Không đi, không trụ, không lai vãng,
với sự bình đẳng giữa định và tuệ, không nhiễm bởi bất cứ pháp nào, chư
Phật ba đời phát xuất từ đó và biến tam độc thành giới, định, tuệ.