27. Này các thiện tri thức, pháp môn này của tôi phát xuất từ tám vạn
bốn ngàn trí tuệ. Tại sao vậy? Bởi vì thế gian này có tám vạn bốn ngàn trần
lao, nếu không trần lao thì Bát nhã vẫn luôn luôn thường trụ, không hề lìa
khỏi tự tánh. Nếu chư vị ngộ được pháp này, chư vị sẽ không có niệm,
không ký ức, không chấp trước. Không cần phải trừ khử vọng tưởng bởi vì
vọng tưởng chính chúng có bổn tánh của chơn như. Dùng trí tuệ quán chiếu
tất cả các pháp, và không thủ không xả, tức là kiến tánh thành Phật.
28. Này các thiện tri thức, nếu chư vị muốn nhập pháp giới thậm thâm,
nhập Bát nhã tam muội, cần phải tu hành Bát nhã Ba la mật. Chỉ cần trì một
quyển kinh Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật, ắt sẽ được kiến tánh và nhập Bát
nhã tam muội. Phải biết rằng công đức của người ấy là vô lượng. Trong kinh
đã tán thán rõ ràng, tôi không cần phải giải thích cặn kẽ thêm nữa. Đây là
pháp môn tối thượng thừa, vì người có căn cơ cao và trí tuệ lớn mà nói.
Những kẻ có căn cơ thấp và ít trí tuệ, nếu như nghe pháp môn này, tâm khó
mà sanh tin. Tại sao vậy? Ví dụ như rồng lớn làm cơn mưa lớn trên cõi
Diêm Phù Đề này, các thành, ấp, thôn, xóm đương nhiên sẽ bị cuốn sạch cả,
tựa như lá cỏ nổi trôi. Song nếu cơn mưa kia rơi xuống biển lớn, nước biển
vẫn sẽ bất tăng bất giảm.
Nếu như một người tu pháp môn Đại thừa mà nghe giảng kinh Kim
Cang, tâm liền khai mở và giác ngộ. Cho nên chúng ta biết rằng bổn tánh đã
tự có trí Bát nhã, và bằng cách tự dùng trí tuệ mà quán chiếu, chẳng cần dựa
vào văn tự. Cũng y như cơn mưa kia không phải tự trời mà có, mà vốn do
Long Vương đích thân dẫn nước từ trong sông biển, khiến cho tất cả chúng
sanh, tất cả cây cỏ, tất cả hữu tình và vô tình đều được thấm nhuần. Các