Cho nên phải nên biết rằng vạn pháp vốn từ con người mà phát sinh, tất cả
kinh sách đều vì con người mà nói. Bởi vì trong loài người có kẻ ngu, người
trí. Kẻ ngu là tiểu nhân, người trí là đại nhân. Nếu kẻ mê hỏi người trí, người
trí sẽ vì kẻ ngu mà thuyết pháp, khiến kẻ ngu giác ngộ và thấu hiểu một cách
sâu xa. Nếu như kẻ mê giác ngộ và khai mở tâm mình thì hắn cũng chẳng
khác gì với người đại trí. Cho nên chúng ta biết rằng, nếu không ngộ, thì
Phật cũng là chúng sanh. Còn nếu như chỉ giác ngộ trong một niệm thôi thì
chúng sanh cũng là Phật. Cho nên chúng ta mới biết rằng tất cả vạn pháp đều
ở cả trong chính tâm mình, thì cớ sao lại chẳng làm cho chơn như bổn tánh
đốn hiện nơi tự tâm mình? Kinh Bồ Tát Giới nói: “Tự tánh của chúng ta vốn
thanh tịnh”, thức tâm kiến tánh, lập tức tự thành tựu Phật đạo. “Lập tức, hoát
nhiên, đạt lại được bổn tâm”.
31. Này các thiện tri thức, lúc tôi ở nơi Hòa thượng Hoằng Nhẫn, chỉ
nghe giảng kinh Kim Cang một lần, lập tức thấy được chơn như bổn tánh.
Cho nên tôi mới đem giáo pháp này, lưu hành cho đời sau, khiến cho những
người học đạo đốn ngộ được Bồ đề. Mỗi người phải tự quán tâm và đốn ngộ
bản tánh mình. Những người không tự ngộ được, cần phải tìm một vị Đại
thiện tri thức để dạy cho mình pháp kiến tánh. Thế nào là một vị Đại thiện tri
thức? Đó là người hiểu được rằng Tối thượng thừa pháp là con đường chánh.
Đó chính là một vị Đại thiện tri thức. Đó là đại nhân duyên, gọi là hóa đạo
khiến chúng ta thấy được Phật. Tất cả các thiện pháp đều nhân bậc Đại thiện
tri thức mà phát khởi. Cho nên mặc dù nói rằng chư Phật ba đời và mười hai
bộ kinh vốn hiện hữu trong tự tánh con người, song nếu không tự giác ngộ
được nơi tự tánh thì cần phải nhờ bậc thiện tri thức chỉ bày cho pháp kiến
tánh. Nếu như tự ngộ được, không cần phải cậy vào thiện tri thức bên ngoài
nữa. Nếu như vọng cầu giải thoát bằng cách nương cậy vào thiện tri thức bên