Sau khi nói những lời này, đến nửa đêm, ngài lặng lẽ khứ thế. Đại sư
hưởng thọ bảy mươi sáu tuổi.
54. Vào hôm Đại sư nhập diệt, trong chùa có hương thơm lạ phảng
phất, mấy ngày không tan. Núi lở đất động, rừng cây biến thành trắng, mặt
trăng mặt trời không còn ánh sáng, gió mây mất cả màu sắc.
Đại sư diệt độ vào ngày mồng ba tháng Tám, đến tháng Mười một, linh
cữu của ngài được đón về núi Tào Khê để an táng. Từ nơi mộ ngài, bạch
quang xuất hiện, chiếu thẳng lên trời, mãi đến hai hôm mới tán. Thiều Châu
Thứ sử Vi Cứ lập, cho đến nay thiên hạ vẫn đến cúng dường.
55. Đàn kinh này là do Thượng tọa Pháp Hải biên tập. Lúc mất,
Thượng tọa giao lại cho người bạn đồng học là Đạo Xán. Lúc Đạo Xán qua
đời lại giao cho người đệ tử là Ngộ Chơn. Ngộ Chơn hiện giờ đang truyền
thọ giáo pháp này ở chùa Pháp Hưng, núi Tào Khê, thuộc Lĩnh Nam.
56. Sau này người được giao phó giáo pháp này phải là bậc có trí huệ
và căn cơ cao, phải có lòng tin Phật pháp, lập đại bi tâm trì kinh này. Phải
coi đó là căn bản để truyền thừa thì pháp đến nay mới không bị đứt đoạn.
57. Hòa thượng Pháp Hải vốn là người huyện Khúc Giang, Thiều
Châu. Sau khi Đức Như Lai nhập Niết bàn, giáo pháp truyền về phương
Đông, nếu truyền mãi không đình trệ tức là tâm chúng ta không đình trệ. Bậc
chơn Bồ tát này thuyết giảng chơn tông, tu hành hợp với thực dụ. Đây là y
chỉ để dạy các bậc đại trí. Pháp này chỉ được truyền thọ cho những người thệ
nguyện cứu độ tất cả, tu hành không ngớt, gặp khó khăn không thối chí, gặp
cảnh khổ biết kham nhẫn, do đó có phước đức sâu dày. Còn những kẻ căn
tánh không kham nổi, tài lực không đủ, không nên cầu pháp này làm gì.