Bọn vô công rồi nghề nghe xong đồng loạt vỗ tay. Ông già không nói câu
vè này ám chỉ người nào, xong bọn vô công rồi nghề lại suy bụng ta ra
bụng người, câu vè lại loan truyền nhanh như gió. Chẳng bao lâu câu vè lọt
đến tai của Hoàng Đức Phúc, liền gọi điện thoại cho cục Công an, nói ông
già gieo rắc tin đồn nhảm về thị trưởng, cần phải ngăn chặn. Cục Công an
đã bắt giữ ông già, tra hỏi ra mới biết, thì ra một tên lưu manh đi kiện đã
hơn mười năm nay.
Thế nào là lưu manh đi kiện?
Bởi vì hơn mười năm trước, người này là giáo viên dân lập, khi xét chuyển
thành giáo viên nhà nước thì bị cấp trên trù dập không chuyển được, liền
lên Uỷ ban tỉnh kêu oan, vẫn không thành công. Thế là ở hẳn Tây Kinh, cứ
dăm ba ngày lại đến cổng Uỷ ban thưa kiện, đưa đơn biểu tình ngồi, lâu dần
muốn vào không có lối, muốn rút không bậc thang, đâm ra bị tâm thần. Sau
đó thôi chẳng kiện tụng nữa, cũng không về làng, liền lang thang trên hè
phố. Cục Công an đã bắt hỏi mười ngày, tra xét không có tội nên thả ra, lấy
xe chở ra khỏi thành phố ba trăm dặm rồi thả xuống. Nào ngờ được vài
hôm lại thấy ông già trên đường phố . Song ông già đã kéo chiếc xe cải tiến
cọc cạch len lỏi trong các phố bới nhặt đồng nát. Đám người vô công rồi
nghề tự nhiên cứ bám theo, sai bảo ông lại đọc ca dao hò vè. Ông già bây
giờ đã ki bo miệng lưỡi, chỉ rao rất cao rất dài "Đồng nát nào! Nhận khoán
đồng nát nào!" tiếng rao này vang trong ngõ phố ngày hai buổi sớm tối,
cũng thường có người thổi huyên trên tường thành. Một người kêu như sói
gầm, một kẻ rên như ma khóc, hai bên đối đáp nhau, hàng ngàn con chim
trên lầu chuông gác trong cứ huyên náo ỏm tỏi cả lên.
Hôm nay ông già kéo chiếc xe cải tiến bánh sắt không có săm lốp, đi loanh
quanh mãi mà không thu nhặt được đồng nát, liền đứng ở vạt đất ngoài
tường chùa Dựng Hoàng, thèm thuồng nhìn mấy đại sư khí công dạy người
học phép dẫn dắt nhổ ra lấy vào, lại còn thấy từng tốp từng tốp tụ tập ở
dưới tường thành thấp lè tè bốc quẻ xem bói, liền rẽ vào cũng tính xin thầy
tướng số bói cho một quẻ. Người xung quanh liền bảo:
- Ông già ơi, ở đây không xem bói mạng sống nhỏ nhoi đâu. Đại sư là