Giả Bình Ao
PHẾ ĐÔ
Dịch giả: Vũ Công Hoan
Chương 19
Dưới tháp Đại Yên ở Tây Kinh có một thôn cái tên lạ lùng gọi là Hào Bảo,
người trong thôn ai ai cũng biết đánh trống. Tương truyền, tổ tiên của Hào
Bảo là một người đánh trống nổi tiếng trong quân vua Tần, sau đó về sống
ở đây. Để ghi nhớ công đức của tổ tiên, cũng là để đoàn kết họ hàng, con
cháu của người đánh trống đã luôn luôn lấy trống truyền đời, dàn dựng biểu
diễn nhạc trống "Vua Tần phá trận". Trong phong tục xưa nay, mồng hai
tháng hai là ngày rồng ngẩng đầu, song ở thôn Hào Bảo lại là ngày lễ đánh
trống của họ, thông thường là có một lá cờ màu vàng hơi đỏ do một ông già
làng giơ lên làm hiệu, hàng trăm người xếp thành hàng ngũ đánh trống đi
vào đại lộ trong thành phố oai phong lắm. Lúc đó các cửa hiệu muốn may
mắn tốt lành, đội trống đi đến đâu, liền buộc sợi lĩnh đỏ dài ba thước ba tấc
lên đầu người cầm cờ, hàng ngàn hàng vạn quả pháo rạ nổ tới mức rung
trời chuyển đất. Bước sang những năm này tình hình thay đổi, song người
Hào Bảo vẫn đánh trống, nhưng đã lấy nhạc trống để làm ăn sinh sống .
Các xí nghiệp kinh doanh của vùng ngoại ô phía nam thành phố, mỗi khi có
sản phẩm mới khai phá cần tuyên truyền quảng cáo, đột phá bao nhiêu vạn
đồng cần báo hỉ, liền mời nhạc trống của người Hào Bảo. Cho nên thị dân
đến trong phạm vi tường thành không chỉ đông nghìn nghịt trên đường phố
vào ngày hai tháng hai, mà ngày thường hễ nghe có tiếng trống, liền biết
ngay nông dân ngoại thành lại ăn nên làm ra, có tiền đi vào thành phố khoa
trương, liền đổ ra đường xem như nước thuỷ triều lên. Hôm nay chủ nhật,
nhạc trống lại nổi lên trên phố, thanh thế lớn hơn trước kia nhiều. Đầu tiên
Ngưu Nguyệt Thanh và Liễu Nguyệt ở nhà cuốn dây len, tiếng trống làm
cho hai người háo hức. Liễu Nguyệt hai tay cầm cuộn len mà thỉnh thoảng
như người mất hồn, Ngưu Nguyệt Thanh liền mắng một câu "Con ranh cứ
nhấp nha nhấp nhổm không ngồi yên được hả?", rồi thu sợi len, sai Liễu
Nguyệt đi lấy giày cao gót để cùng nhau đi xem. Hai người liền sửa sang