Trang Chi Điệp đến nhà mình tâm sự nghỉ ngơi. Trang Chi Điệp ở nhà
Mạnh Vân Phòng ba ngày, cùng đi đến khách sạn tham dự một cuộc họp
của các hoạ sĩ. Giám đốc khách sạn đã chiêu đãi mọi người một bữa sơn
hào hải vị, lại gọi mấy ca sĩ bình thường đến hát cho vui. Trang Chi Điệp
nghĩ những hoạ sĩ này sống tự do thoải mái thế. Người xưa có cảnh dắt gái
lầu xanh rong chơi sông núi, có lẽ giống thế này. Mạnh Vân Phòng liền ghé
vào tai anh bảo:
- Anh nhìn cô ca sĩ kia kìa, ngon đáo để, khi cười cái lưỡi cứ động
đậy giữa hai hàm răng, trông khêu gợi ra phết. Nhà cầu khuyết" của mình,
nếu có tổ chức hoạt động gì, cũng mời mấy ca sĩ này đến góp vui.
Trang Chi Điệp nói:
- Mắt anh kém, nên nhắm lại dưỡng thần.
Mạnh Vân Phòng tức quá, đưa tay dưới gầm bàn véo vào đùi Trang Chi
Điệp một cái. Các cô ca sĩ lấy giọng bắt điệu hát xong mấy bài, mỗi cô
được thưởng hai mươi đồng rồi ra về.
Giám đốc liền kê bàn đặt lên bốn thứ báu vật của phòng văn: giấy, mực,
bút, nghiên rồi chụm hai tay lại nói:
- Các vị đều là danh gia cao thủ, đến được khách sạn nhỏ bé này là
dịp hiếm có. Tôi đây cũng một lòng yêu tranh chữ, xin các vị có thể thưởng
cho mấy dòng bút tích quý báu được không?
Trang Chi Điệp liền khẽ hỏi một hoạ sĩ:
- Chẳng phải khách sạn cung cấp phương tiện để các họa sĩ họp mặt
nói chuyện đó ư? Tại sao lại còn vẽ viết?
Người hoạ sĩ kia đáp:
- Nói ra thì hoạ sĩ được hoan nghênh hơn nhà văn các anh, nhưng cho
gà ăn là để gà đẻ trứng, quả thật hoạ sĩ rẻ mạt hơn nhà văn.
Các họa sĩ lần lượt lên vẽ, vẽ xong lại móc túi lấy con dấu đóng lên. Trang
Chi Điệp lại khẽ hỏi:
- Các anh không bằng lòng tại sao ai cũng mang sẵn con dấu đến?
Vị hoạ sĩ kia đáp:
- Chỉ cần có người đến mời đi ăn là biết có chuyện gì rồi. Đâu có
chuyện không đem theo con dấu.