nhiên như thế nào? Họ sẽ bảo đây là một văn nhân sống truỵ lạc sa đoạ,
cuối cùng lương tâm sám hối mà đến đó chuộc tội của mình, hay là bảo
Trang Chi Điệp vốn say sưa với giọng hát và sắc đẹp lại định quấy nhiễu cô
Tuệ Minh xinh đẹp? Trang Chi Điệp cứ đứng im tại chỗ, không dám có
một tiếng động nhỏ, mặc hơi mù nhàn nhạt cuốn vào mu bàn chân, bất giác
lại nhìn Tuệ Minh lần nữa, rồi từ từ lùi ra, trong lòng ngấm ngầm oán hận
thanh danh của mình. Hơn mười năm dùi mài đèn sách, khổ công phấn đấu,
anh đã có được thanh danh, song thanh danh lại đem đến cho anh bao nỗi
buồn phiền mất tự do như thế, bản thân đã trở thành một kẻ tiểu nhân giả
dối hết mức giả dối, xấu xa hết mức xấu xa. Cuối cùng Trang Chi Điệp
đành phải đứng dưới nhà bia mộ Mã Lăng Hư, tay xoa văn bia, nước mắt
ròng ròng.
Cũng không đến "nhà cầu khuyết" nữa, lê gót về nhà ở khu tập thể hội văn
học nghệ thuật. Ngưu Nguyệt Thanh và Liễu Nguyệt chưa về, chẳng biết
tin gì về tình hình ở phiên toà. Trang Chi Điệp lặng lẽ ngồi bên cạnh máy
điện thoại chờ cho đến lúc đồng hồ quả lắc trên tường điểm mười hai tiếng,
thì chuông điện thoại reo lên. Liễu Nguyệt gọi điện thoại về. Trang Chi
Điệp hai tay ôm ống nghe, liền hỏi:
- Liễu Nguyệt ơi, em gọi điện về hả?
Liễu Nguyệt hỏi lại:
- Thầy Điệp khoẻ chứ ạ?
Trang Chi Điệp đáp:
- Anh khoẻ, Liễu Nguyệt, tình hình thế nào?
Liễu Nguyệt đáp:
- Tất cả đều tốt, bên kia chỉ có một mình Cảnh Tuyết Ấm nói là còn
có trình độ, tay đàn ông kia chỉ biết ăn nói lung tung dài dòng, bị quan toà
chặn họng ba bốn lần. Hì hì, em biết tại sao ngày ấy chị ta lại yêu anh rồi!
Trang Chi Điệp hỏi:
- Rồi sao nữa? Rồi sao nữa?
Liễu Nguyệt đáp:
- Sáng nay biện luận đã xong, buổi chiều tiếp tục phiên toà. Thầy
Phòng hiện giờ đi cửa hàng mua băng dính. Thầy bảo chiều nay tranh cãi