Trang phục và hình dạng của bọn họ có lẽ có rất nhiều chỗ khác nhau,
nhưng bọn họ đều có một đặc điểm chung, xem chừng vô luận là gặp
chuyện gì, đều có thể bảo trì thái độ trấn tĩnh bất loạn.
Đó có lẽ bởi vì bọn họ đã gặp qua qua nhiều chuyện.
Danh kỹ như danh hiệp, đều là người giang hồ, đều có một thứ tính cách
tương đồng, người thường đều không thể dùng thường tình hay thường lý
để độ suy được.
Có những lúc, danh kỹ thậm chí cũng giống hệt như danh hiệp, có thể gạt
bỏ sinh tử vinh nhục.
Thiết Ngân Y vận hoa phục, râu tóc bạc trắng, xoãi hai tay, ngồi chỉnh tề
trên cái ghế gỗ dương hoa vàng chóe trên tấm thảm Ba Tư mua mãi ở tận
vương thất hải ngoại.
Tới bây giờ, lão mới chầm chậm đứng dậy:
- Nhị thiếu gia, hí kịch này, vai diễn của ngươi xem chừng đã diễn rồi,
xem ra nên đến lượt ta.
- “Đến lượt ông?” - Lý Hoại hỏi - “Đến lượt ông làm cái gì?”
- Đến lượt ta giết người, hoặc đến lượt ta bị giết. Giết người và bị giết,
vốn cũng giống như hai mặt chính phản của một đồng bạc, vô luận là chính
hay phản cũng đều là chung một đồng bạc.
Thiết Ngân Y ngang nhiên vuốt chòm râu bạc chói ngời:
- Cho nên hiện tại sinh hay tử đều đã không còn quan hệ gì tới ngươi.
Lý Hoại cười khổ:
- Không quan hệ tới ta thì còn quan hệ tới ai chứ? Ta xin ông lần này có
thể để ta quản sự chuyện này được không?
- “Không thể” - Thiết Ngân Y đáp - “Lão Trang chủ muốn ta đem ngươi
trở về, ta dẫn ngươi về. Người muốn ngươi chết, trước tiên phải để ta chết”.
- Nếu quả ông chết, làm sao còn có thể dẫn ta về?
- Vậy thì ta chết trước, ngươi chết sao.
Câu nói đó tuyệt không phải là câu nói trong vở kịch, cũng không có một
chút ý tứ giả dối.
Sự chân thật của câu nói đó, có lẽ còn chân thật hơn so với lời thề trong
triều của một đại thần xuất thân tam giáp tiến sĩ.