cảnh lắc đầu chép miệng: “Học tài thi phận”. Buồn thay, chỉ sau ngày thi
thứ nhất, mấy tờ báo hàng ngày của Sài Gòn đã giật hàng tít lớn, vớt được
xác sĩ tử thi Tú tài trên sông Sài Gòn. Bài báo tường thuật tỉ mỉ vụ tự sát,
gieo mình trên sông.
Thí sinh không làm được bài, uất quá đã trẫm mình trên dòng sông sâu để
hóa giải nỗi buồn thi cử? Đúng như thi sĩ lừng danh Tú Xương đã từng
chiêm nghiệm trong vần thơ bất hủ của mình: “Đệ nhất buồn là cái hỏng
thi”. Và rằng: “Thi không ăn ớt thế mà cay”.
Sau ngày thi thứ nhất rồi ngày thi thứ hai và kết thúc kỳ thi, không một
ngày nào chú Hòa không phóng xe máy từ ký túc Đại học xá Minh Mạng
đến trại học sinh di cư Phú Thọ để hỏi han kết quả làm bài của An. Nhận ra
nét mặt thư thái, tự tin, nụ cười vui, tươi tắn, chú đoán, cháu mình làm bài
thi không mấy khó khăn. An đưa cho chú xem đề thi và bài giải nháp của
mình cho chú Hòa kiểm định. Hòa xem đề bài, đọc cách giải, dõi từng phép
tính, dò độ chính xác của từng con số và đáp số cuối cùng của các môn thi
tự nhiên. Chú cười, gật đầu, cháu làm đúng. Các đề thi môn xã hội, An
cũng đưa cho chú Hòa xem và nói cặn kẽ bài viết của mình dài bốn trang
giấy thi. Hai chú cháu cùng làm giám khảo thẩm định, bằng cách lật sách
giáo khoa để đối chiếu sự chính xác của sự kiên, luận cứ, luận chứng…Chú
Hòa bảo, bài thi không nhiều sai sót. Sau mỗi ngày thi, chú cháu đèo nhau,
tìm đến ăn ở tiệm phở nổi tiếng ở đường Pasteur. Chú thưởng cho bát phở
thơm lừng mùi nước dùng nghi ngút khói. Mùi hành, chanh, thảo quả đến
nức mũi.
An đỗ Tú tài I với hạng bình thứ. Cầm bằng Tú tài trong tay, An cũng
giống như các cô, cậu Tú hớn hở, lòng vui như mở hội. Có bằng Tú tài I,
học thêm một năm để lấy bằng Tú tài II, và thế là cánh cửa Cao đẳng, Đại
học rộng mở. Các bậc phụ huynh có con em thi đỗ tú tài cũng vui mừng
không kém. Nhà giàu có con em thi đậu, bầy cỗ bàn, báo tin vui với bè bạn,
thưởng cho con một tuần tắm biển Vũng Tàu hoặc du ngoạn Đà Lạt. Nhà
nghèo phấn khởi loan tin vui với thân nhân họ hàng. Chú Hòa, bá Hoán và