nước, người nhiễm lạnh. An bị cảm nặng, chỉ mơ một nồi nước xông, hộp
cao con hổ như thuở ấu thơ mẹ đã từng chữa như thế và tay mẹ nhè nhẹ bóp
đầu, bóp trán cho An. Bỗng thèm mái ấm gia đình. Chao ôi! Sao mà nhớ
mẹ và nhớ cả đàn em nhỏ dại ở đất Bắc đến thế, từng gương mặt người thân
yêu hiển hiện...
Chỉ đến khi hàng ngàn bóng đèn điện đủ cấc loại trên đường phố đã bật
sáng, An mới trở về trại. Quần áo dính dấp mồ hôi và bụi bặm, phải tắm
giặt mau lẹ để vào bữa ăn chiều nhiều rau ít cá, ít thịt. Nếu được ăn thêm
một hai bát cơm nữa, dù là cơm rau dưa cũng sẽ ăn hết một cách ngon lành.
Cơm xong, kim đồng hồ đã nhích đến con số tám, đôi khi đã là tám rưỡi.
Giờ này, tất cả các ô cửa sổ, cửa chùng của trại học sinh di cư Phú Thọ
bừng sáng ánh điện, học sinh tại các căn phòng đang chúi mũi vào sách vở
để chuẩn bị cho buổi học ngày mai. Những ô ánh sáng hình chữ nhật đều
tăm tắp của các khuôn cửa sát bên nhau, sóng hàng cùng nhau như để giao
lưu tâm tình với canh khuya bằng thứ ngôn ngữ ánh sáng màu vàng nhạt.
Nếu tiếp tục đi bán báo rồi ăn cơm muộn thì quỹ thời gian giành cho học
tập sẽ là không đủ với học sinh trung học, và sẽ là vô cùng eo hẹp cho học
sinh cuối cấp sắp bước vào thi cử. Bài vở chồng chất, thuộc định lý, hệ quả,
nắm sơ bộ được lý thuyết, hiểu công thức là xoay sang làm bài tập. Làm bài
tập Toán trước rồi đến bài tập Hóa, bài tập Lý… Chuông đồng hồ thong thả
điểm 12 giờ như nhắc nhở An đã đến giờ đi ngủ, đồng thời như cảnh báo
rằng bài tập vẫn chưa hòan thành. Sáng hôm sau phải dậy từ bốn rưỡi để
học Sử học Địa và “xào nấu” lại bài học tối hôm qua. Không thiếu những
buổi sáng ngủ say như chết, chẳng nghe rõ chuông đồng hồ báo thức. Và
chỉ đến khi cả trại học sinh đã như đàn ong vỡ tổ bị cuốn vào guồng quay
của buổi sớm mai, An mới hốt hoảng choàng dậy. Chỉ kịp rửa mặt, súc
miệng là vội cắp cặp đến trường. Giờ kiểm tra bài hôm ấy lo thon thót,
không khác gì bị cực hình tra tấn tinh thần. Ngọn bút của thầy dò tìm tên
học sinh trên trang sổ điểm mà tim đập loạn nhịp. Cầu mong thầy lướt qua