bà đốt thẻ hương, cắm trên mộ họ, mỗi người một que hương đỏ lửa nghi
ngút khói, mong họ sống khôn, chết thiêng, vui vầy cùng nhau phù hộ cho
người đang sống, nhờ khói hương nói lời tiễn biệt của người đồng hương,
của tình làng nghĩa xóm thân ái. Bà hồi nhớ cái ngày kháng chiến chống
Pháp, ông Húc đội trưởng du kích xã đã nặng lời với bà: “Mua hàng tạp
hóa ở vùng địch tạm chiếm, về bán ở làng này là tiếp tay cho giặc”. Bây giờ
ông đã trở thành người thiên cổ, yên nghỉ dưới nấm mồ. Lời nói thì nhớ
nhưng nỗi bất bình ngày ấy của bà với ông Húc để bụng làm gì. Thù hận
chăng nữa cũng nên tìm cách mà cởi bỏ. Bà thầm nói, mong vong linh ông
siêu thoát.
Buổi chiều, mẹ An đi chào hỏi thân nhân quyến thực trong làng để trở lại
vùng mỏ Cẩm Phả. Bà Chánh và con gái lớn của bà bàn tính việc sẽ ra mỏ
sinh sống, nhờ mẹ An quen biết, tìm kiếm công ăn việc làm. Mẹ An nhận
lời rồi kể cho bà Chánh biết, người vùng quê Nam Định, Thái Bình, Hải
Dương… ra mỏ kiếm ăn nhiều lắm, như những đợt sóng nối tiếp nhau. Đợt
đầu là những phu mỏ gọi là cu-li được Pháp mộ ra làm phu mỏ trước ngày
tổng khởi nghĩa tháng Tám. Đợt hai là những người buộc lòng phải rời làng
quê trong thời kháng chiến chống Pháp, bởi giặc Pháp càn quét đốt phá nhà
cửa xóm làng. Đợt ba là những người ra mỏ kiếm sống sau cải cách ruộng
đất.
Chẳng bao lâu, mẹ con bà Chánh Huyện đã rời bỏ làng Xuân Giao ra mỏ
Cẩm Phả kiếm sống. Họ trở thành công nhân trên tầng mỏ cùng mẹ An.