***
Bị quy là địa chủ, mẹ An thấp thỏm lo âu. Nhưng cũng may, bởi lúc này bà
là công nhân mỏ thuộc tầng lớp cần lao nên chưa bị bắt về quê để đấu tố.
Thế rồi, sau mỗi đợt cải cách ruộng đất là một lần sửa sai. Thật là may mắn,
gia đình bà được hạ từ thành phần địa chủ xuống thành phần phú nông. Và
rồi, sau lần sửa sai cuối cùng, bước vào đợt 5 cải cách ruộng đất gia đình bà
lại được hạ thành phần là trung nông lớp trên. Người ta bảo rằng, chẳng
phải là thần thánh, trên rồi cũng nhận ra những sơ sót, cấp dưới làm quá tay
phạm sai lầm, đành phải sai đâu sửa đấy. Thế còn là được.
Ruộng đất nhà mẹ An bị tịch thu từ đợt đầu cải cách ruộng đất nay hoán đổi
thành trưng thu trưng mua, được trả giá bằng hiện vật là hơn chục thùng
thóc tẻ. Mẹ An khấp khới mừng thầm, những mẫu đất của bà ở quê không
đến nỗi mất trắng, vớt vát được chút nào hay chút ấy. Con bà sẽ có bát cơm
thơm mùi gạo mới. Mấy đứa con, thuở bé chúng bụ bẫm, từ ngày ra mỏ
không béo lên được. Thằng Pha, thằng Ban gày nhẳng như đứa ốm đói.
Không biết có phải là ăn “gạo kho” nên chúng gày gò hay là vì thiếu thốn
thức ăn? Có lẽ cả vì hai lý do ấy. Gạo kho là loại gạo lưu cữu từ mấy vụ
trước, chứa trong bao tải gai, chồng chất trong kho gạo để bán theo tem
phiếu, định lượng. Hạt gạo đã ải, chuyển màu vàng hoặc trắng vôi nhờ nhờ
nhạt nhạt, vón lại thành cục, mất mùi thơm của gạo. Có lần mua về, những
con mọt gạo màu nâu đen như kiến bò đầy miệng thúng và còn bao nhiêu
con mọt khôn ngoan len lỏi, lẩn sâu trong thúng gạo.
Mẹ An xin nghỉ phép mấy ngày để về quê. Bà dự định sẽ xay số thóc hoán
đổi trưng mua kia, đội ra mỏ vài chục cân gạo quê cho con ăn, một phần sẽ
bán đi.
Về đến đầu làng, mắt dõi nhìn không mỏi lũy tre làng xanh mướt mát, con
đường cái quan giữa làng vẫn thế, dòng sông nhỏ đục lờ quen thuộc, và bên
kia cây cầu cong cong là đình làng mái ngói rêu phong, lòng bà dấy lên