giá lắm, bây giờ thì chẳng ai nể trọng đâu- Thằng Cội nói những điều này
bởi bố nó theo kháng chiến mới ghé về thăm nhà vài ngày, nói cho mẹ con
thằng Cội biết thế.
Thằng Cội đang cố ý xỏ xiên mình – Hòa nghĩ, mặt nong nóng, hai lần nó
nhắc lại chữ “ông Chánh”, ở làng này người ta gọi bố Hòa với cái tên quen
thuộc ấy. Lúc này gây gổ, chửi rủa nó ư? Chẳng đến bến bờ nào. Nhường
nhịn cho xong chuyện để tránh phiền hà, anh trả lời cộc lốc:
- Thế đấy!
Cội không buông tha, nó giễu cợt hằn học để thỏa bực dọc:
- Ông và tôi đều là người của cái làng Xuân Giao này. Mười bảy, muời tám
tuổi đầu cả rồi. Kiếp người cả đấy. Vậy mà ông thì được rong ruổi cắp sách,
dáng thư sinh trắng trẻo, còn thằng Cội này đen nhẻm bùn đất, ngày ngày
theo đít trâu cày. Sao lại vô lý đến thế. Cũng tại giàu nghèo cả thôi ông ạ! –
Hòa trả miếng:
- Chịu khó làm lụng thì lo gì nghèo hèn, mà nhà anh đâu có nghèo.
- Ông làm sao hiểu thời cuộc bằng tôi.
Tranh luận với kẻ ngông ngạo chẳng ích gì, im lặng là vàng, Hòa lẳng lặng
rảo bước nhanh hơn để lại thằng Cội lẽo đẽo phía sau. Tuy vậy, trở về nhà
mình với những phút giây tĩnh tại, Hòa mơ hồ nhận ra rằng thời thế đang
biến chuyển. Thời mới đang ló dạng. Cuộc sống của gia đình và bản thân
mình rồi sẽ ra sao, mình còn được theo học nữa không? Không, không thể
bỏ học – Hòa thầm nói với mình. Suy tư gờn gợn, lăn tăn trôi về với những
ngày cuối năm của lớp đệ nhị. Bạn bè cùng lớp, mấy đứa được nghe radio,
được đọc báo về tin tức chiến sự, chúng bảo rằng Pháp thua trận ở nhiều
chiến trường trên toàn cõi Đông Dương và rằng trận Điện Biên Phủ khốc
liệt lắm. Bao nhiêu là chuyện thực thực, hư hư; mỗi ngày một chuyện mới
lạ. Trong lòng Hòa vởn lên những e ngại lo toan.
Niềm vui nơi mái nhà ấm áp tình cảm gia đình, mẹ con, anh em chỉ có thể
kéo dài vài ngày. Đầu mùa hè 1954, Hòa lên Hà Nội dự thi Tú tài.