gia. Có lẽ “Người chăn ong” cũng có thể xuất hiện trong danh sách đó, vì
theo các tài liệu, Leonardo nghiên cứu ong rất kỹ càng khi ông phác ra bản
thiết kế đầu tiên cho một chiếc trực thăng. Thế nhưng, với Leonardo, tôi
chắc chắn rằng ông còn xem xét mọi lý do khiến ong và chim ruồi có thể
chống lại mọi thứ kiến thức khoa học sáo mòn và đạt được những gì chúng
vẫn làm, chứ ông sẽ không phí thời gian mà hoài nghi khả năng bay của
chúng. Thật ra, nếu da Vinci có một phương châm cá nhân, ắt hẳn đó phải
là: Cái này hiệu quả trong thực tế, chứ không phải trên lý thuyết.
BẮC CẦU QUÁ XA
Brett Godfrey, người gây dựng Virgin Blue luôn thích kể một câu chuyện
về Leonardo da Vinci, ví dụ hoàn hảo cho một định kiến lâu đời đến nay
vẫn cản trở con đường đến với cách tân đích thực trong rất nhiều ngành
kinh doanh bảo thủ quá mức. Đầu thế kỷ XVI, một vị vua của đế quốc
Ottoman, Bayazid Đệ nhị, gặp chuyện đau đầu. Mặc dù nghe chừng không
phải một nhiệm vụ bất khả thi gì cho cam, nhưng vào thời bấy giờ, băng
qua dòng sông Bosphorus ở Istanbul (hoặc thời ấy là Constantinople) bằng
cây cầu một-nhịp-duy-nhất dài 240 mét hẳn là một kỳ quan xây dựng vô
tiền khoáng hậu. Lợi lộc kinh tế thu về từ việc nối liền các tuyến giao
thương đông-tây hẳn là rất bộn, vì thế dự án đầy thử thách này đòi hỏi phải
có lối tư duy rất cấp tiến.
Một loạt chuyên gia xây dựng cầu đường hàng đầu đương thời loay hoay
vật lộn mà không thành công khi họ áp dụng thiết kế vòm đá cổ điển và
đơn giản vào chiều dài và độ cao mà dự án Bosphorus đòi hỏi. Chán nản
khi thấy không có tiến triển mà lại không cam tâm bỏ cuộc (tôi rất thấu
hiểu tâm trạng này), vị Sultan tìm đến một sự trợ giúp vô cùng lạ thường:
một họa sĩ, nhà thiết kế trẻ tuổi người Ý đầy triển vọng tên là Leonardo da
Vinci. Quá phấn khích trước thử thách này, da Vinci bắt tay vào ngay, và
kết quả ông đưa ra cực kỳ ấn tượng: một thiết kế cầu mang đậm phong cách
vị lai, vận dụng những khái niệm hình học chưa từng được biết tới, tạo ra