Không có những cách tân rộng khắp kiểu Netflix để thế chỗ cho những
chuẩn tắc công sở lạc hậu, có vẻ chẳng sớm thì muộn, những người làm
công ăn lương sẽ bắt đầu nổi dậy. Suy cho cùng, thời gian họ đổ vào công
việc cứ tăng dần đều từ chỗ trung bình 50 giờ/tuần trong bối cảnh công sở
truyền thống cho đến mô thức “sẵn sàng 24/7 trên thiết bị số” vẫn còn nhập
nhằng về khái niệm. Tuy rằng có những phương án chặn sáng tạo như thư
trả lời tự động của bạn tôi, nhưng ta chẳng có cách nào quay ngược thời
gian. Ta đều sống trong thế giới hiện tại, nên cách duy nhất để giảm nhẹ nỗi
đau giao thời là tập trung vào việc loại bỏ những chính sách đã lạc hậu,
không còn phù hợp với các nhu cầu công việc và lối sống cá nhân của
người lao động nữa. Khi họ thực sự làm việc “chỉ” 40 - 50 tiếng đồng hồ
một tuần, vậy thì bốn tuần nghỉ phép có trả lương cộng với nghỉ lễ có lẽ
vẫn hợp lý. Nhưng ngày nay, khi nhân viên của chúng ta được kỳ vọng làm
việc với thời lượng không thể tính cụ thể trong những văn phòng ảo mở
rộng vì chịu sự sai khiến không ngừng nghỉ từ các vị sếp-số-hóa, phải
chăng cách tiếp cận tương tự cũng cần áp dụng cả cho thời gian họ tạm
nghỉ khỏi văn phòng thực tế? Nên, hoan nghênh Netflix và mọi công ty có
những động thái táo bạo nhằm tái điều chỉnh hệ thống – miễn đừng e-mail
cho tôi về việc đó vào cuối tuần và mong nhận được hồi đáp trước thứ Hai!
CHẲNG ĐÂU NHƯ Ở NHÀ
Một biến đổi lớn trong những thói lệ xưa nay cũng do ảnh hưởng từ công
nghệ, đó chính là số lượng người (như tôi) hiện đang làm việc từ nhà. Theo
số liệu của Cục Thống kê Dân số Hoa Kỳ, con số đó đã tăng lên 41% trong
thập niên vừa qua, với gần 15 triệu người Mỹ làm việc từ nhà. Ở Vương
quốc Anh, lượng tăng không ấn tượng bằng, theo một khảo sát của Cơ quan
Khảo sát Nguồn nhân lực (LFS), con số này ở mức 13% trong năm năm
gần đây. Tôi không rõ là có được tính đến trong khảo sát này không, nhưng
hẳn nhiên tôi là người ủng hộ nhiệt thành nhất thế giới cho “làm việc từ ghế
bành” – hay, gần đây, là từ cái võng của tôi.