Khi bàn đến những lãnh đạo sẵn sàng xả thân vì nghĩa, thần tượng muôn
đời của tôi chính là Đô đốc Horatio Nelson, và cụ thể là chiến công cuối
cùng của ông trong Hải chiến Trafalgar năm 1805, một trận đánh mà mọi
trò ngoan của nước Anh đều có thể kể bạn nghe. Cho dù giữa chiến trận
cam go, đường lối hành động của Nelson vẫn là can đảm đặt bản thân
(chỉnh tề trong bộ đồng phục hải quân – hồi đó làm gì có chiến thuật ngụy
trang) trên boong thượng, và tự đẩy mình vào thẳng làn đạn lửa, theo đúng
nghĩa đen. Hẳn nhiên, vị đô đốc quả cảm đã trả giá, khi một viên đạn từ
một tay súng bắn tỉa người Pháp đã khiến ông phải hy sinh anh dũng.
Nelson đích thực là một lãnh đạo, bản thân ông là một tấm gương truyền
cảm hứng, một người không bao giờ đòi hỏi ở thuộc cấp những gì ông
không sẵn sàng tự mình thực hiện.
Tôi cứ băn khoăn không rõ lịch sử sẽ nhìn nhận khác đi thế nào về câu
chuyện Trafalgar, nếu như vị đô đốc tài tình kia tìm cách nào đó dẫn dắt đội
quân của mình đến chiến thắng vinh quang từ khoang kín an toàn dưới
bụng tàu. Cùng một kết quả ấy thôi, nhưng có bao nhiêu câu chuyện đã
được thêu dệt nên phẩm chất anh hùng của một vị chỉ huy đã hy sinh thân
mình vì đại nghĩa? Ta không bao giờ có thể biết chắc, nhưng tôi không nghĩ
200 năm sau sự kiện, mình sẽ vẫn còn viết về Nelson, nếu như ngày xưa
ông lặng lẽ qua đời ở nhà lúc lâm chung, chứ không phải hứng một quả đạn
pháo thay cho cả đội quân!
Và bởi vì đã giải quyết vấn đề vai trò của phụ nữ trong phòng họp giám
đốc, tôi cũng nên quan tâm tương tự đến các gương nữ nhi trên chiến
trường. Một gương nữ liệt vĩ đại của Anh quốc mà chúng tôi được học ở
trường chính là Nữ hoàng Boadicea huyền thoại, trong khoảng năm 61 đến
63 sau Công nguyên, đã dẫn dầu một cuộc nổi dậy ở Đông Anglia chống lại
quân La Mã xâm lược. Bà gần như đã đẩy bật quân thù, nhưng cuối cùng
đành dừng bước trước đội quân La Mã hùng mạnh. Tuy vậy, vị trí của bà
trong lịch sử được củng cố vững chắc, và bà được bất tử hóa bằng một cụm
tượng đồng khổng lồ gần cầu Westminster ở London, thể hiện hình ảnh nữ