L-I-S-T-E-N (Lắng nghe)
Một điều tôi vẫn nhớ từ giờ học tiếng Anh ở trường là khi một giáo viên chỉ
ra rằng nếu ta muốn chơi trò đảo chữ với các chữ cái nói trên, thì chúng tạo
thành từ SILENT (im lặng). Vốn là một kẻ hâm mộ cuồng nhiệt trò xếp chữ
Scrabble và buổi học hôm đó lại chú tâm hơn bình thường, tôi nhớ mình đã
cực tinh tường mà nhận ra rằng các chữ cái còn có thể ghép thành từ
ENLIST (thu nhận). Điều này dẫn tới một cuộc thảo luận trên lớp khiến tôi
nhớ mãi: nếu có thêm nhiều người trong chúng ta có thể “thu nhận” nghệ
thuật “im lặng” để có thể “lắng nghe”, thì ngay lúc đó, ta sẽ cải thiện đáng
kể năng lực học hỏi và tận dụng hiệu quả hơn thời gian ngồi trên ghế nhà
trường.
Có lẽ cuộc thảo luận trên lớp đó hơi quá muộn với tôi, vì chỉ trong vòng
một năm sau tiết tiếng Anh đó, tôi đã rời trường Stowe để khởi sự với
Student, tờ tạp chí của riêng tôi, và tôi mau chóng nhận ra mình đã áp dụng
những lời nói của giáo viên vào thực tế. Tôi vẫn nhớ rõ như thể mới hôm
qua là lần tôi phỏng vấn tiểu thuyết gia John le Carré, khi cuốn tiểu thuyết
đột phá năm 1963 của ông The Spy Who Came in From the Cold (Điệp
viên từ vùng đất lạnh) lập tức trở thành sách-bán-chạy-nhất. Tôi hoảng sợ
như một con mèo nhép trong lúc cuồng loạn ghi lại những câu trả lời của
ông cho loạt câu hỏi tôi đã chuẩn bị rất cẩn thận. Lúc nào tôi cũng mang
theo cái đài ghi âm hai cửa băng Grundig loại cổ to bự, mặc dù nó chủ yếu
mang lại cho tôi dáng vẻ chuyên nghiệp hơn là phục vụ mục đích gì thực tế,
vì đến phân nửa thời gian nó không hề hoạt động. Đó là lúc tôi khởi sự một
việc từ bấy giờ đã trở thành thói quen cả đời: ghi lại mọi suy nghĩ, quan sát
và gần như tất cả những điều lý thú mà ai đó nói hoặc làm vào cuốn sổ bìa
cứng có dòng kẻ của tôi.
Trong hơn bốn chục năm lăn lộn kinh doanh – trời, chỉ viết điều này ra
thôi, tôi bỗng nhiên thấy mình cổ xưa quá thể – những cuốn sổ ghi chép giờ
đã lên đến hàng trăm và giúp ích cho tôi cực nhiều. Và tôi không bàn đến