mong sẽ học được từ những kinh nghiệm quá khứ thì chẳng có gì sai, cũng
như bàn tính tương lai là việc hiển nhiên tất cả chúng ta đều làm – nhưng
ngày hôm nay thì sao? Tất cả mọi người “hiện tại” lại thường xuyên lạc
bước trong cơn điên cuồng vội vã nhắm tới tương lai. Thừa nhận đi: đúng
là có những “ngày xưa vàng son” mà bạn sẽ hồi tưởng vào hai mươi năm
nữa – nên tại sao không xoay trời chuyển đất mà tận hưởng nó ngay khi
bạn đang nắm nó trong tay?
Mahatma Gandhi là một trong những thần tượng mọi-thời đối với tôi, và có
một câu trích dẫn của ông mà tôi đã đọc trong giờ lịch sử ở trường đã gắn
chặt với tôi kể từ đó: “Sống như thể ngày mai ta sẽ chết. Học như thể ta
sống mãi muôn đời.” Lời khuyên chí lý này đã được tóm lược phổ biến
thành: “Hãy sống từng ngày như thể là ngày cuối cuộc đời,” một câu truyền
cảm hứng tuyệt vời dù thường trở thành lời hiệu triệu toàn cầu khích lệ
những kẻ phóng túng bất-chấp-hậu-quả. Tôi vẫn nhớ rõ một lần (khi còn là
một kẻ phóng túng mới-vào-nghề), tôi đã thử vận dụng phiên bản thứ hai
với mẹ tôi, làm cớ bào chữa cho một trò ranh ma gì đấy. “Nhưng mà mẹ
ơi,” tôi nài nỉ, “con chỉ làm một việc Gandhi bảo con nên làm thôi mà.”
Chẳng chút động lòng, mẹ đáp thẳng thừng: “Cứ thử giở giọng đấy ra lần
nữa xem, Ricky, bữa nay rất có thể sẽ là ngày cuối cuộc đời con đấy!”
Thật ra câu trích dẫn hay nhất về chuyện sống trọn hôm nay như ngày cuối
cuộc đời thuộc về Steve Jobs, trong một bài diễn văn ông nói tại lễ trao
bằng tốt nghiệp của Đại học Stanford năm 2005, đó là: “Nếu bạn sống mỗi
ngày như thể ngày cuối cuộc đời, một ngày nào đó, bạn chắc chắn sẽ có
lý.” Nghe có vẻ buồn cười, nhưng bởi một thực tế, là ông đã dũng cảm thực
hiện bài nói này chỉ mười hai tháng sau khi bị chẩn đoán mắc căn bệnh ung
thư khiến ông qua đời sáu năm sau đó.
Là những kẻ phàm trần hay mắc lỗi, tất cả chúng ta đều từng phạm sai lầm,
và tự đẩy mình vào đủ kiểu rắc rối nảy sinh từ những lựa chọn lầm lạc,
nhưng trong đa số tình huống như thế, ta đều có đủ năng lực để dừng lại,