Tôi giới thiệu toàn bộ tác phẩm của Ông, kể cả tập báo Tiếng Dân, cho
bất kỳ ai muốn nghiên cứu một cách đứng đắn, có thực chất, mọi phương
diện chính trị, văn hóa, kinh tế, giáo dục của Phong trào Duy Tân và của
Trung Việt nửa đầu thế kỷ 20 (mà nhiều phen ông đóng vai trò quan trọng, ít
ra là về phương diện tinh thần) nhưng lại rất thiếu sự quan tâm của học giới
ngày nay.
Quyển sách này, ban đầu tôi viết thành ba phần : Tiền Phong Trào,
Phong Trào và Hậu Phong Trào. Với cái tên chung Phong : Trào Duy Tân.
Nhưng khi viết xong tôi thấy nó dày quá, khó phổ biến, nên quyết định dứt
ra làm ba quyển khác nhau. Do đó, phần thứ hai tức Phong Trào Duy Tân
1905-1908 được in trước. Sau này, tôi sẽ cho ấn hành hai tập kia. Toàn thể
ba tập ấy sẽ trình bày khái quát công cuộc Duy Tân của Việt Nam :
a) Tiền Phong Trào : từ thời các Chúa đến cuối thế kỷ XIX
b) Phong Trào Duy Tân 1905-1908
c) Hậu Phong Trào 1908-1945
Trong ba phần này, thực sự chỉ có Phong Trào Duy Tân 1905-1908 là
quan trọng nhất, xuất hiện như một ánh sáng lồ lộ, phát ra tiếng vang dội
khắp núi sông, đẫy quặt lịch sử, chính trị, văn hóa, kinh tế… sang một ngã
rẽ sau khi đã góp phần lớn lao Làm Mới con người và xã hội.
Tôi hy vọng bạn đọc khi xem sách này sẽ không cho tôi là có óc lập dị,
muốn bày đặt những lối « bứt râu cha nọ cắm cằm mẹ kia » mà thực sự chỉ
là theo tính chất, thực chất của dữ kiện mà phân loại, hệ thống và trình bày
đúng theo diễn tiến tất yếu của lịch sử một cách khách quan.
Phương pháp tôi dùng không Mới nhưng cũng chưa Cũ. Cũng như Duy
Tân đối với chúng ta không mới mà nhất định chưa cũ. Đó là vấn đề của
ngày nay, ngày mai. Chúng ta còn phải học người xưa rất nhiều để thực
hiện một cuộc Duy Tân vừa toàn bộ, vừa không xa rời Dân tộc tính, Nhân
bản tính. Mối lo âu lớn lao của tất cả những nước nhược tiểu là ở điểm căn
bản ấy : triệt để theo mới, nhưng phải cơ sở trên tính chất dân tộc, điều kiện
địa phương để khỏi vong bản, bị máy móc chi phối, nô lệ tha nhân.