lại, cô ta khi thì thấy yêu Nabatov, lúc lại thấy yêu Novotvorov. Còn
Krinxov cảm thấy đối với Maria Paplovna có một cái gì giống như tình
yêu. Anh yêu Maria với mối tình của một người đàn ông, nhưng vì đã biết
những ý nghĩ của nàng về ái tình, nên anh khéo giấu tình cảm của mình
dưới hình thức tình bạn và lòng cảm kích trước sự săn sóc đặc biệt trìu mến
của nàng. Còn giữa Nabatov và Ranxeva thì quan hệ yêu đương rất phức
tạp. Cũng như Maria Paplovna là một cô gái trinh bạch, Ranxeva đối với
chồng cũng là một người phụ nữ tiết hạnh. Hồi là một nữ sinh mười sáu
tuổi nàng yêu Ranxev, một sinh viên trường Đại học Petersburg và sau, lấy
anh, khi anh còn đang học; lúc đó nàng mới mười chín tuổi. Học đến năm
thứ tư, chồng nàng tham gia vào hoạt động của sinh viên, rồi phải rời
Petersburg đi làm cách mạng. Lúc đó, nàng đang học trường Thuốc cũng
bỏ học đi theo chồng và tham gia cách mạng.
Nếu nàng không coi chồng là một người thông minh tài trí nhất đời, một
người tốt nhất, thì đã không yêu anh, và nếu không yêu thì đã không lấy.
Nhưng đã yêu và đã lấy anh là một người đàn ông mà nàng cho là tốt nhất,
là thông minh tài trí nhất đời, người đó quan niệm về cuộc đời và mục đích
cuộc đời thế nào, thì nàng cũng quan niệm như thế. Mới đầu, anh cho mục
đích cuộc sống là học, thì nàng cũng cho học là mục đích của cuộc sống.
Khi anh hoạt động cách mạng thì nàng cũng đi theo cách mạng. Nàng có
thể giải thích một cách rất rõ ràng là: không thể để duy trì cái chế độ hiện
hành được và trách nhiệm của mọi người là phải đấu tranh chống lại chế độ
đó phải đem sức ra xây dựng một chế độ chính tn và kinh tế khác, trong đó
khả năng con người được phát triển tự do, v.v… Và nàng dường như tự
mình nghĩ ra những ý kiến đó và cảm thấy thế, nhưng kỳ thực chỉ coi
những ý nghĩ của chồng như những chân lý tuyệt đối và nàng chỉ tìm cách
hoàn toàn nhất trí với chồng cho thật ý hợp tâm đầu với nhau; đó là điều
kiện làm cho nàng thỏa mãn về mặt tinh thần. Phải xa chồng, xa con (mẹ
nàng trông nom hộ đứa con) nàng rất đau khổ, nhưng nàng vẫn kiên quyết
và bình thản chịu nỗi chia ly; nàng biết rằng nàng chịu đựng như vậy là vì
chồng, vì sự nghiệp của chồng. Sự nghiệp đó tất nhiên là vì chính nghĩa vì
chồng nàng phục vụ nó.