tương ứng trên bảng khoét lỗ có vị trí tương đối cố định, nên cả bảng khoét
lỗ có thể tạo thành một bộ tháo lắp hoàn chỉnh.
So sánh với các bộ giáo cụ do những người khác thiết kế ra – thông qua
việc thay đổi kết cấu khung để cố gắng lắp ghép thành các hình dạng hình
học khác nhau, thì chiếc giá đựng bảng lỗ này chiếm ưu thế hơn, tiện lợi
hơn. Đồng thời, nó còn bảo đảm được tính ổn định của bảng hình khối.
Xung quanh bảng khoét lỗ và trong ngoài chỗ tiếp giáp đều được tráng
một lớp màu trắng. Mỗi hình khối tương ứng với các vị trí trong bảng khoét
lỗ, bên ngoài của nó – tức là mặt phẳng của hình khối, đều được sơn thành
màu xanh sáng cùng màu với màu mặt đế.
Đồng thời tôi còn làm thêm 4 khối hình lập phương cũng sơn màu xanh
sáng như vậy. Tôi có thể dùng hình khối của bảng khoét lỗ để sử dụng trên
những hình lập phương này. Như vậy ta có 5 mặt đều có hình khối hình học,
chứ không phải là 6 mặt. Sở dĩ chúng ta sử dụng giáo cụ này, đó là vì lần
đầu tiên dạy về hình vẽ, tốt nhất chúng ta chỉ nên dùng hai, ba hình vẽ hoàn
toàn không giống nhau về hình dạng, hoặc là hình dạng của chúng có sự
khác biệt rõ ràng, ví dụ như 1 hình tròn và 1 hình vuông, hoặc là 1 hình tròn,
một 1 vuông và 1 hình tam giác đều.
Theo phương thức này, những bộ hình khác nhau cũng được lần lượt liệt
kê.
Tiếp theo, tôi lại chế tạo một cái tủ có 6 tầng ngăn kéo, có thể làm bằng
bìa cứng, cũng có thể làm bằng gỗ. Thực ra, mỗi ngăn kéo chính là một
chiếc hộp, phía trước có thể thấp một chút, giống như hộp đựng tài liệu mà
các luật sư thường dùng, có 6 cái khay, cái này đặt chồng lên cái kia, phía
dưới cùng có một tấm đỡ. Trên tầng một, tôi để 4 tấm hình vuông và 1 hình
thang, 1 hình thoi. Ở tầng thứ hai có 1 tấm hình vuông và 5 tấm hình chữ
nhật có cùng độ dài nhưng khác nhau về độ rộng. Tầng thứ ba, có 6 hình
tròn đường kính giảm dần theo thứ tự. Tầng thứ tư có 6 hình tam giác. Tầng
thứ năm là các hình có nhiều cạnh, từ 5 cạnh đến 10 cạnh. Tầng thứ 6 thì lại
đặt các hình có đường cong khác nhau, như hình bầu dục, hình quả trứng,
hình cánh hoa (do 4 miếng nửa hình tròn – hình vòng cung tạo thành).