Đúng là không chỉ trong ngành y. Cơ hội hiện ra rõ rệt trong
nhiều lãnh vực. Sự chống đối cũng rất rõ ràng. Ngành tài chính là
một ví dụ. Mới đây, tôi có dịp trò chuyện với Mohnish Pabrai - hội
viên quản lý thuộc Các quỹ Đầu tư Pabrai ở Irvine, California, và là
một trong ba nhà đầu tư tôi vừa gặp gỡ. Cả ba đều dựa trên kinh
nghiệm từ ngành y và hàng không để triển khai danh mục kiểm tra
trong công việc của họ. Cả ba đều là những nhà đầu tư lớn: Pabrai
điều hành một tập đoàn đầu tư trị giá 500 triệu đô-la; Guy Spier là
người đứng đầu tổ chức Quản lý Vốn Aquamarine - một quỹ trị giá
70 triệu đô-la ở Zurich, Thụy Sĩ. Người thứ ba là giám đốc và không
muốn tiết lộ tên cũng như quy mô quỹ, nhưng đây là một trong
những quỹ lớn nhất trên thế giới và có giá trị hàng tỷ đô-la. Họ tự
gọi mình là “những nhà đầu tư giá trị” – là những nhà đầu tư
chuyên mua cổ phần của những công ty bị đánh giá thấp. Họ không
dựa vào tình hình thị trường. Họ không dựa vào các thuật toán máy
tính khi đưa ra quyết định mua. Thay vào đó, họ nghiên cứu, tìm
kiếm các vụ mua bán khả quan và đầu tư dài hạn. Họ nhắm mua lại
Coca-Cola trước khi mọi người nhận ra hãng nước ngọt này sẽ trở
thành một thương hiệu lớn.
Pabrai mô tả công việc của họ. Trong 15 năm qua, mỗi quý, ông
chỉ có một hoặc hai vụ đầu tư mới. Ông nhận thấy đối với mỗi
thương vụ, ông lại cần xem xét ít nhất mười yếu tố. Ý tưởng có thể
đến bất cứ lúc nào, từ các bảng quảng cáo ngoài trời, một bài báo về
bất động sản ở Brazil đến một tập san ngành mỏ mà ông tình cờ bắt
gặp. Ông đọc nhiều, có cái nhìn bao quát và con mắt tinh tường đủ
để phát hiện ra những dự án kinh doanh sắp bùng nổ.
Ông tìm được nhiều cổ phiếu tỏ ra có triển vọng, nhưng sau khi
kiểm tra lướt qua, ông đã gạt đi gần như tất cả. Tuy nhiên, mỗi tuần
ông lại phát hiện ra một công ty khiến ông cảm thấy thích thú. Có vẻ
như cổ phiếu của công ty đó sẽ tăng giá mạnh. Ông không thể tin là
người ta lại chưa đầu tư vào những cơ hội mười mươi như vậy. Ông