Sau khi công bố những phát hiện này, Smart còn tiếp tục bàn
luận về đề tài này trong một cuốn sách kinh tế bán chạy bàn về vấn
đề tuyển dụng có tên Who (Người tài). Tôi hỏi ông, khi kiến thức ấy
trở nên phổ biến, tỷ lệ các nhà đầu tư lớn áp dụng danh mục kiểm
tra có tăng không, ông trả lời: “Không, vẫn như cũ”.
Chúng ta không thích sử dụng danh mục kiểm tra. Có thể vì
chúng đòi hỏi quá chi tiết. Chúng không có gì thú vị. Nhưng tôi nghĩ
vấn đề ở đây không chỉ là sự lười biếng. Có điều gì đó sâu xa hơn,
bản năng hơn đang diễn ra khi con người ta không chỉ từ chối cứu
được nhiều người hơn, mà còn quay lưng với khả năng kiếm được
nhiều tiền hơn. Dường như chúng ta có cảm giác bị hạ thấp khi phải
sử dụng danh mục ấy. Mà điều này đi ngược lại niềm tin tuyệt đối
về cách xử lý của những người thật sự vĩ đại – những người mà
chúng ta khao khát trở thành – trong những tình huống nguy cấp và
phức tạp. Họ là những con người can đảm, chấp nhận mạo hiểm. Họ
nhanh trí, ứng biến. Họ không có quy trình thủ tục hay danh mục
kiểm tra.
Có lẽ ý niệm của chúng ta về chủ nghĩa anh hùng cần phải thay
đổi.
Ngày 14 tháng 1 năm 2009, danh mục kiểm tra phẫu thuật an
toàn của WHO được ban hành rộng rãi. Ngay ngày hôm sau, chuyến
bay mang số hiệu 1549 của hãng hàng không US Airways mang theo
155 người cất cánh từ phi trường La Guardia, New York, đã đâm
phải một đàn ngỗng trời Canada trên địa phận hạt Manha an. Cả
hai động cơ bị hỏng, nhưng máy bay đã hạ cánh một cách kỳ diệu
xuống dòng sông Hudson lạnh giá. Không một ai thiệt mạng. Báo
giới đặt tên cho tai nạn ấy là “điều kỳ diệu trên dòng sông Hudson”.
Một viên chức của Ban An toàn Giao thông Quốc gia đã nói rằng
chiếc máy bay “buộc phải đáp xuống bằng một cú hạ cánh trên nước
thành công nhất trong lịch sử ngành hàng không”. Cơ trưởng 57 tuổi