tra. Đến phần nêu lên các vấn đề cần quan tâm, bác sĩ gây mê nhắc
tôi nên dựa vào những vấn đề hô hấp trước đó của bệnh nhân để lên
kế hoạch theo dõi lâu hơn sau ca phẫu thuật dự tính sẽ ra về trong
ngày này.
Vậy là chúng tôi quyết định rằng bệnh nhân sẽ ở lại bệnh viện
để theo dõi thêm. Ngoài ra, chúng tôi còn chuẩn bị mọi thứ để cho
bà thở với ống xịt thuốc trong lúc mổ và cả sau khi mổ, nhằm ngăn
ngừa những rắc rối liên quan đến hô hấp. Điều đó đã chứng tỏ có
hiệu quả tuyệt vời. Bệnh nhân không hề cần thở oxy sau đó.
Dù chúng tôi đã rất quen thuộc với một dạng phẫu thuật nào
đó, nhưng bệnh nhân của mỗi ca lại khác nhau. Danh mục kiểm tra
giúp chúng tôi phát hiện ra các vấn đề về dị ứng thuốc, các trục trặc
thiết bị, sự nhầm lẫn về thuốc men, sai sót trong các nhãn dán lên
mẫu sinh thiết gửi đến khoa nghiên cứu bệnh học. Danh mục giúp
chúng tôi đưa ra những kế hoạch tốt hơn và chuẩn bị chu đáo hơn
cho bệnh nhân. Nếu không có danh mục kiểm tra, tôi không chắc là
chúng tôi có thể mắc bao nhiêu lỗi và đã gây nên những hậu quả gì.
Có một trường hợp tôi biết chắc danh mục kiểm tra đã cứu sống
bệnh nhân. Đó là ông Hagerman (chúng ta sẽ gọi ông như thế) 53
tuổi, có hai con và là giám đốc điều hành của một công ty địa
phương. Tôi đã đưa ông vào phòng mổ để chuẩn bị cắt bỏ tuyến
thượng thận bên phải vì có một khối u bất thường phát triển bên
trong gọi là u tế bào ưa chrom. Các khối u kiểu như của ông là vô
cùng hiếm gặp. Chúng tiết ra chất adrenalin nguy hiểm và có thể
khó cắt bỏ. Nhưng trong những năm gần đây, ngoài chuyên môn
phẫu thuật tổng quát, tôi còn đặc biệt quan tâm và tìm hiểu về phẫu
thuật nội tiết. Tính đến nay, tôi đã thực hiện khoảng 40 ca phẫu
thuật cắt bỏ khối u thượng thận mà không để lại biến chứng nào. Vì
thế, khi ông Hagerman đến gặp tôi để kiểm tra khối u lạ kỳ ấy, tôi
khá tự tin và khẳng định tôi hoàn toàn có thể giúp được ông ta. Tôi