Vậy chúng ta có thể làm gì đây? Điều trị phẫu thuật không dễ
phổ biến như điều trị những bệnh thông thường khác, như bệnh bại
liệt ở trẻ em chẳng hạn. Khi cùng với các bác sĩ điều trị của WHO đi
giám sát chiến dịch thanh toán bệnh bại liệt, tôi thấy chỉ riêng việc
tiêm vắc-xin thôi cũng đã gặp rất nhiều khó khăn. Phẫu thuật còn
phức tạp hơn thế. Tìm cách giảm thiểu thiệt hại trong một bệnh viện
đã đủ khó. Tìm cách tiếp cận với từng phòng mổ trên thế giới thì
đúng là một nhiệm vụ không tưởng. Với hơn 2.500 quy trình phẫu
thuật khác nhau, từ sinh thiết não đến đoạn chi, gắn thiết bị điều hòa
nhịp tim đến chiết lá lách, từ thủ thuật cắt bỏ ruột thừa đến cấy ghép
gan - bạn thậm chí không biết sẽ bắt đầu từ đâu. Có lẽ tôi sẽ giúp
WHO tập trung giảm thiểu nguy hại trong một quy trình thôi, giống
như quy trình gắn đường dây trung tâm của máy trợ tim phổi,
nhưng đối với một vấn đề quy mô như thế này thì không biết điều
đó có giúp ích gì không?
Tháng Giêng năm 2007, tại trụ sở chính của WHO ở Geneva,
chúng tôi triệu tập một cuộc họp kéo dài hai ngày. Chúng tôi mời
bác sĩ lâm sàng của những phòng khám hàng đầu từ các nước châu
Âu, Canada và Mỹ. Tham dự buổi họp còn có cả bác sĩ phẫu thuật
trưởng của Ủy ban Quốc tế - Hội Chữ thập đỏ, là người đã phái các
nhóm y tế đến điều trị cho những người tị nạn đau yếu và bị thương
ở khắp nơi trên thế giới, từ Somalia đến Indonesia. Đại diện bệnh
nhân là người bố đến từ Zambia có cô con gái bị chết ngạt do thiếu
oxy trong lúc phẫu thuật. Tại đây, mọi người cùng chia sẻ với nhau
những trải nghiệm, những phát hiện của mình trong quá trình tham
gia phẫu thuật ở nhiều nơi trên thế giới. Càng lúc tôi càng lo lắng:
Làm sao chúng tôi có thể xử lý hết nhiều vấn đề như thế ở nhiều
vùng khác nhau như thế?
Một viên chức y tế trạc tuổi 40 đến từ miền Tây Ghana, một
vùng đất chủ yếu sống bằng nghề trồng cây ca-cao và khai thác
vàng, kể cho chúng tôi nghe về điều kiện y tế ở bệnh viện quận nơi