Cuộc gặp ngắn ngủi và hơn cả lạnh lùng. Cựu mục sư đã thuyết
giảng về việc thiếu tôn trọng nhân quyền ở nước Nga. Ông tuyên bố,
với phương Tây, đó là “thỏa thuận về các giá trị”, còn nước Nga với
ông không phải là một phần của nó. Ngay cả trước đó, Gauck cũng
không che giấu sự thiếu thiện cảm của mình với Putin. “Người chống
cộng với ân sủng của Chúa”, như có lần tờ báo Tagesspiegel gọi ông
(226), Gauck đấu tranh cho việc sử dụng “Bundeswehr”
ngoài Liên bang Đức và là người ủng hộ NATO nhiệt thành. “Chính là
hôm nay, khi Hoa Kỳ không thể thường xuyên gia tăng sự đóng góp
của mình vào an ninh, Đức và những đối tác châu Âu của họ có nghĩa
vụ phải nhận phần lớn trách nhiệm vì sự an ninh của chính mình” - đó
là giáo điều đối ngoại của đức tin mà Gauck chính thức tuyên bố hồi
tháng 1-2014 tại Hội nghị Munich về vấn đề an ninh (227). Bằng cách
đó, ông đã cho thấy mình đang tiến hành chính sách đối ngoại riêng
cho dù chức năng ấy, nói đúng ra, không nằm trong thẩm quyền chính
thức của ông.
Phần nào mối quan hệ không tốt đẹp giữa Gauck với nước Nga
có gắn với lịch sử gia đình ông. Cha của Gauck trong thời Thế chiến
thứ hai là sĩ quan hải quân, năm 1951 đã bị tòa án binh ở Cộng hòa
Dân chủ Đức buộc tội gián điệp và giải đi trại tù GULAG Xô viết. Chỉ
nhờ các cuộc thương lượng khi đó của Thủ tướng Liên bang Konrad
Adenauer, năm 1955, ông mới được trở về nhà. Số phận của ông có
ảnh hưởng lớn đến việc hình thành con người Gauck (228), và tác
động lên nhận thức của Gauck về nước Nga, mặc dù Liên bang Xô
viết đã không còn nữa và Vladimir Putin, rõ ràng, có thể chỉ trích ông
nhiều thứ, nhưng chắc chắn không phải vì ông là một người cộng sản.
Sự từ chối của Gauck là khởi đầu của một loạt lời từ chối từ
phương Tây. Nhiều ngày sau đó, những tin không vui khác lại tới.
Angela Merkel thông báo không thể tới Sochi, sau đó Francois
Hollande và Barack Obama cũng trả lời từ chối. Tổng thống Hoa Kỳ