Moskva hành động rất thận trọng bởi họ biết Snowden làm việc cho
CIA. Cựu điệp viên CIA đã để lộ mình sau những bài báo đầu tiên ở
Hồng Kông. Từ đó, Hoa Kỳ săn tìm người vạch trần những bí mật Mỹ
này. Sau khi Snowden bay khỏi Hồng Kông, họ cho hủy hộ chiếu của
anh ta. Snowden đã gởi đề nghị xin được cư trú chính trị đến hơn 20
quốc gia, kể cả Đức, và khắp nơi đều từ chối. Không ai muốn làm
hỏng quan hệ với Hoa Kỳ vì anh ta.
Barack Obama trong những tuần cuối gần đây đã nhiều lần gọi
cho Vladimir Putin và yêu cầu giao nộp Snowden. Putin bác bỏ yêu
cầu: giữa Hoa Kỳ và Nga không có thỏa thuận dẫn độ, ông biện minh
cho sự từ chối của mình như thế (241). Thỉnh thoảng, Putin với sự hài
lòng được che giấu khéo léo đã nhận xét Snowden, trên thực tế, đóng
góp cho nhân loại một sự giúp đỡ giá trị.
Cuối cùng, cựu điệp viên Hoa Kỳ được cư trú chính trị tạm thời ở
Nga, và đến nay, tình báo phương Tây thường xuyên lan truyền tin
đồn về việc Snowden là một gián điệp và phái viên, người đã ký với
Nga một hợp đồng kinh điển cho nghề của mình: đưa thông tin để đổi
lấy nơi tị nạn và tiền. Edward Snowden phải thường xuyên bác bỏ và
cho biết những lời chỉ trích này là vu cáo (242).
Thủ tướng Liên bang Đức Angela Merkel sau Hội nghị thượng
đỉnh ở Ireland biết được điện thoại di động của bà bị tình báo Mỹ nghe
trộm: “Do thám bạn bè - điều đó hoàn toàn không thể chấp nhận”, Thủ
tướng Liên bang Đức phẫn nộ không lâu sau đó (243) và nói cần ký
với Hoa Kỳ thỏa thuận về việc từ bỏ do thám song phương. Nhưng nói
chung, bà cư xử hết sức kiềm chế. Trong điện đàm, Barack Obama
bảo đảm với bà một kiểu miễn trừ [do thám] điện tử cá nhân và trấn an
rằng thật đáng tiếc, ông không hay biết gì về việc này, ít ra là những gì
liên quan tới bà Merkel. Tổng thống Hoa Kỳ hứa, trong tương lai sẽ
không xảy ra những chuyện tương tự. Còn đối với những chính khách
khác và các công ty Đức, lời cam kết này không áp dụng.