Ở giai đoạn đầu, sự tính toán chính trị này đã được đền đáp. Tân
tổng thống hòa vào dòng chảy của thời gian - ít thí nghiệm hơn, an
ninh nhiều hơn. Nhờ đó mà ông được hoan nghênh. Và nhà văn
Aleksander Solzhenitsyn
nhận định nỗ lực tăng cường vai trò nhà
nước và tìm kiếm bản sắc riêng là một chính sách đúng đắn. Nhà văn
đoạt giải Nobel, người 17 năm phải sống lưu vong ở Hoa Kỳ và trở về
Nga dưới thời Yeltsin, đã chỉ trích “mưu toan của NATO lôi kéo một
phần của Liên Xô tan rã, trước tiên là Ukraine - một đất nước cực kỳ
gần gũi với chúng tôi, một đất nước mà chúng tôi gắn kết bởi hàng
triệu mối liên hệ gia đình - vào phạm vi ảnh hưởng của mình”, ông
phát biểu trong cuộc trả lời phỏng vấn với tạp chí Spiegel vào năm
2007, không lâu trước khi qua đời. “Cho đến nay, chúng tôi vẫn còn
cho rằng phương Tây trước tiên là một hiệp sĩ dân chủ nào đó. Nhưng
giờ chúng tôi buộc phải thất vọng xác nhận rằng, chính trị phương Tây
trước tiên được dẫn dắt bởi chủ nghĩa thực dụng vụ lợi và vô sỉ”(65).
Đối với một người chống cộng triệt để như Solzhenitsyn, kỷ
nguyên Gorbachev và Yeltsin là “sự vô tổ chức trong chính sách đối
nội của nước Nga và đầu hàng tất cả các vị trí trong chính sách đối
ngoại”. Nó không chỉ gắn với nhu cầu tiến hành những cải cách cơ bản
mà còn với cả những tính toán sai lầm của chính quyền. Phương Tây
“nhanh chóng quen với ý nghĩ rằng nước Nga giờ đây thật sự là một
nước thuộc thế giới thứ ba và sẽ như thế mãi mãi. Khi nước Nga một
lần nữa mạnh lên, phương Tây hoảng sợ”. Trước sự chỉ trích có tính
dạy đời của phương Tây về việc tân Tổng thống là cựu nhân viên tình
báo, Solzhenitsyn, người từng trải qua vài năm trong trại cải tạo, đã
chỉ ra một khác biệt không lớn, nhưng quan trọng. Putin, dĩ nhiên, là sĩ
quan tình báo nhưng không phải là nhà điều tra KGB, không phải là
quản giáo trại GULAG. “Các cơ quan tình báo hoạt động ở nước
ngoài, làm việc ở tất cả các nước”. Đến nay, chẳng ai nảy ra trong đầu