Q1 - ANH HÙNG LĨNH NAM - Trang 113

– Nghiêm đại ca, nước ở đây chảy xiết quá, thuyền đi muốn không được.
Hồi ở Cửu-chân, tiểu đệ thích lội lắm, có lần tiểu đệ bơi từ bờ đến đảo
Nghi-sơn. Đại ca có biết lội không? Chúng ta nhảy xuống lội sang bờ bên
kia đi.
Nghiêm Sơn sống ở vùng rừng núi, có khi quanh năm không nhìn thấy
sông, chàng lội rất dở. Chàng thấy sông Hồng mênh mông chảy siết thì
trong lòng đã sợ rồi, thì còn nói gì đến bơi sang bờ bên kia nữa.
Chàng lắc đầu:
– Ta bơi rất dở. Và dù có bơi giỏi đến mấy chăng nữa, nước sông chảy siết
như thế này, làm sao bơi qua được.
Thiều Hoa cười khanh khách:
– Đại ca không biết đâu. Nó là con rái cá đất Cửu-chân đấy. Trong tất cả sư
huynh muội trong nhà, nó là người lội giỏi nhất. Bọn chúng “em” chỉ luyện
võ trên đất mà thôi, chứ tiểu sư đệ chuyên nhảy xuống nước luyện võ. Đánh
nhau trên cạn thì “em” hơn nó, chứ đánh nhau dưới nước thì không lại nó
đâu.
Vô tình nàng xưng “em” với Nghiêm Sơn, chợt nghĩ lại mặt nàng đỏ như
gấc.
Thời bấy giờ, tại mỗi bến đò, đều có người chở thuê. Bến đò sông Hồng
vùng Long-biên là nơi khách qua lại suốt ngày, trên bờ có mấy quán nước,
bán hoa quả, bánh trái. Nhà đò có năm, sáu nhóm khác nhau. Đò ở đây lớn
như thuyền đinh. Bến đò có năm cái thuyền lớn đậu sẵn. Phu đò thấy một
người đàn ông, một thiếu nữ và một đứa trẻ, cưỡi ngựa, trang phục theo
người Việt. Họ đoán đây là một Lạc-hầu, Lạc-tướng, nên lễ phép hỏi:
– Chẳng hay Lạc-hầu cần dùng mấy đò?
Thiều Hoa đã dặn Nghiêm Sơn không nên nói nhiều, sợ bị lộ hình tích, mọi
sự do nàng và Đào Kỳ xếp đặt:
– Chúng tôi có ba người và ba ngựa, thì cần mấy đò? Giá chở bao nhiêu
tiền?
Người chủ đò nói:
– Thưa cô nương, cần một đò cho ngựa, và một đò cho người. Xin cô
nương cho một trăm đồng.

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.