dương vương. Cửu-chân trượng pháp là của ông Nồi, ngài tên thực là Vũ
Bảo Trung. Nguyên ba cha con ông Nồi xưa kia là tướng của An-dương
vương. Các ông đã nhân giao đấu với quân Tần, tìm ra tất cả những phá
cách của võ học Trung-nguyên, rồi chế ra 36 lộ trượng pháp. Bởi vậy mỗi
thế đánh của họ, để ra những sơ hở. Nếu như con giao chiến với người
Lâm-ấp, thì chưa chắc con đã thắng họ dễ dàng như vậy. Con phải tìm hiểu
lối đánh của họ, nhiên hậu mới thắng. Còn con đánh với người Hán, thì
những thức, những chiêu con đánh ra đều khắc chế với họ cả, do vậy con
thắng họ dễ dàng... Bây giờ con dùng Cửu-chân trượng pháp để tự vệ. Bố
sẽ dùng những cành cây làm tên, bắn vào con.
Ghi chú của thuật giả:
Ông Nồi, tên thực là Vũ Bảo Trung tước phong Trung-tín hầu, là khai quốc
công thần của Thục An-dương vương. Ngài quán tại Hương-canh, huyện
Yên-lãng, tỉnh Vĩnh-phú, Bắc Việt. Xuất thân là người làm nghề nặn đồ
sành bán, nên dân chúng gọi là ông Nồi. Ngài là đệ tử của Vạn-tín hầu Lý
Thân. Ngài có hai người con trai, lớn là ông Đống tức Vũ Bảo Sơn tước
phong Bảo-nghĩa hầu, thứ là ông Vực tức Vũ Bảo Hà tước phong Bảo-tín
hầu. Khi Triệu Đà xâm lăng Thục, ba cha con ngài đều tuẫn quốc. Nơi cha
con Ngài tuẫn quốc là vùng Chiêm-trạch, dân chúng gọi là gò Thánh-hóa.
Ngày nay đền thờ của ba cha con Ngài còn tại Ngọc-chi và Vĩnh-thanh,
huyện Đông-anh, Hà-nội.
Đào Kỳ tuân lệnh, múa côn như một chiếc cầu xanh bao phủ lấy thân. Đào
hầu dùng những cành tre nhỏ như những mũi tên phóng vào người con.
Ông phóng một lúc năm mũi, thì Kỳ gạt được có hai, còn ba mũi ghim vào
tấm áo giáp bằng cỏ. Đến đó Đào hầu ngừng lại, hỏi con:
– Lúc nãy bố con ta đang nói đến Tam-bảo, con đoán được hai. Vậy vừa rồi
là đệ tam bảo đó.
Đào Kỳ ngơ ngác không hiểu:
– Thế nghĩa là...
– Là kỹ thuật bắn cung tên của Âu-lạc.
Đào Kỳ đang hớn hở, bỗng buồn thiu lại:
– Con có nghe truyện này rồi. Mẹ kể cho nghe ngày xưa, vua An-dương