Đào hầu tháo thanh kiếm trên lưng, quăng ra xa. Tên béo mập cười ha hả:
– Phen này tụi bây có đến trăm cái đầu cũng phải rụng hết.
Triệu Thanh ra lệnh cho lính trói Đào hầu và Đào Kỳ lại rồi bắt hai cha con
đi về phía một doanh trại. Đào hầu chú ý nhìn thấy đây là một doanh trại kỵ
binh mới cất lên không lâu. Ông thắc mắc:
– Quân kỵ ở đâu đông thế này? Họ đến vùng này làm gì mà ta không biết?
Ông nhìn lên cột cờ ở sân thấy thêu con gấu đen thì giật mình:
– Thì ra kỵ binh ở Giao-chỉ. Vậy có biến cố gì đây?
Thời bấy giờ Thái-thú Cửu-chân là Nhâm Diên, bất hoà với Thái-thú Giao-
chỉ là Tích Quang. Cho nên những người bị Tích Quang truy nã thì chạy
vào Cửu-chân ẩn náu, và những người bị Nhâm Diên truy nã thì chạy ra
Giao-chỉ tỵ nạn. Mỗi Thái-thú có một quân trực thuộc toàn người Hán tổng
cộng 12.500 người. Mỗi quận gồm 4 sư bộ và một sư kỵ. Mỗi huyện thì có
một sư hỗn hợp, cứ một người Hán lại có một người Việt.
Đào hầu thấy kỳ hiệu của thiết kỵ Giao-chỉ tiến vào Cửu-chân, làm ông nảy
ra không biết bao nhiêu nghi vấn:
– Một là hai Thái-thú bất hoà với nhau, đem quân đánh nhau. Hai là có
cuộc khởi binh của một trong chín Lạc-hầu, lực lượng Hán ở Cửu-chân
chống không nổi phải viện thêm lực lượng Giao-chỉ.
Nhưng ông thấy điều này không đúng, vì đất Cửu-chân có chín Lạc-hầu thì
năm vị đã thoả hiệp với thái-thú, hai vị thì sống xa vời với chuyện phục
quốc. Chỉ còn Đào trang nhà ông với Đinh trang của em vợ ông là còn giữ
nguyên chí nguyện của tổ tiên. Ông với em vợ Đinh Đại hiện chưa có động
tĩnh gì đến nỗi Thái-thú Cửu-chân phải viện quân từ Giao-chỉ vào.
Đúng như quan chế hồi đó, thì Lạc-hầu còn ở địa vị cao hơn sư trưởng,
nhưng thực tế thì bọn Hán quan thường dùng sức mạnh, bắt giam các Lạc-
hầu, Lạc-tướng là thường. Đấy là nói quân Hán ở Cửu-chân. Huống hồ đây
lại là quân Hán của Giao-chỉ gửi vào.
Triệu Thanh đưa cha con Đào hầu vào doanh trại giao cho mấy tên lính và
dặn:
– Chúng bay hãy giam hai con chó Nam-man này lại, đợi ta phát lạc sau.
Mấy tên quân dẫn cha con Đào Kỳ vào một căn lều kín, bỏ đó, đóng cửa đi