chết, chôn cất tử tế, rồi về Cổ-loa nhảy xuống giếng tự tử chết. Ngọc trai ở
đây bị mờ, lấy nước giếng Cổ-loa rửa còn sáng hơn nước giếng Biện-sơn.
Đào Kỳ lại thắc mắc:
– Tại sao bố lại đặt tên anh cả là Nghi Sơn, hai hai là Biện Sơn? Đó là nhân
vì địa danh ở Ngọc-đường hay vì lý do vong quốc?
Đào hầu thở dài:
– Tổ tiên con trước cũng là một tướng của An Dương vương, truyền đến bố
là bảy đời. Mình mất nước tới nay là 184 năm rồi. Nếu mình muốn phục
quốc, phải tìm cho được hai thứ: Một là bí quyết làm nỏ của đại tướng Cao
Nỗ, hai là tất cả những bí quyết võ công thời An Dương vương. Bố đặt tên
cho hai anh con, là muốn nhắc nhở đến cái hận vong quốc. Còn tên con,
cha muốn con nhớ đến cái hận mất đất Lĩnh-nam. Bởi tổ tiên ta gốc ở núi
Kỳ, phía Nam Ngũ-lĩnh.
Đào Kỳ khẳng khái:
– Võ công của người xưa chế ra, tại sao mình không thể chế ra?
Đào hầu dắt con trở về, cha con đủng đỉnh xuống núi:
– Đã đành mình có thể chế, nhưng người xưa mất bao nhiêu tâm huyết mới
tìm ra những chiêu thức bí hiểm. Nếu con học võ của tổ tiên rồi từ chiêu
thức đó, biến chế thành võ học mới, sẽ đỡ tốn công hơn. Bố nghe nói, khi
Vạn-tín hầu Lý Thân tự vận, có ghi chú tất cả võ công vào 200 thẻ bằng
đồng. Nhưng không hiểu nay ai giữ? Còn trước khi Cao Nỗ đánh trận cuối
cùng rồi tuẫn quốc, cũng có ghi chép, vẽ đồ hình nỏ thần để lại cho đời sau,
nhưng nay không hiểu ở đâu?
Hai cha con đang đắm mình trong những biến cố gần 200 năm trước, thì có
tiếng quát:
– Khôn hồn đứng im, nếu động đậy, ta ra lệnh buông tên.
Hai cha con giật mình nhìn xung quanh, gần 30 binh Hán, tên đặt lên cung,
chỉ chờ lệnh là buông. Người chỉ huy là tên béo mập thả ban nãy. Đào hầu
sợ Đào Kỳ sử dụng võ, bảo con:
– Không được chống trả.
Tên béo mập ra lệnh:
– Quăng vũ khí ra xa.