ngực, vội đưa tay lên sờ, thì áo đã bị thủng hai lỗ tròn bằng hai chén. Mũi
kiếm cắt vải tuyệt không đụng vào da thịt y chút nào. Mặt y tái nhợt. Động
tâm linh, y nhớ lại trước đây nghe nói phái võ Long-biên, có một thứ kiếm
thuật cực kỳ thần tốc, chỉ người chưởng môn mới có thể sử dụng được. Y
run run hỏi:
– Cô nương có phải đệ tử của phái Long-biên không?
Phương Dung thấy y nhận ra môn hộ của mình, thì cười:
– Bây giờ tướng quân có còn muốn cản đường ta chăng?
Lưu Chương chưa kịp trả lời, thì thấp thoáng một cái, Phương Dung đã
vượt khỏi hàng quân, chạy mất hút vào bóng đêm.
Phương Dung chạy thẳng về trang An-biên, đã thấy đủ mặt: Lê Chân, Đào
Kỳ, Phùng Vĩnh Hoa, Đàm Ngọc Nga và Đào Thế Hùng. Nàng cúi chào
mọi người rồi đưa mắt hỏi Lê Chân về Đàm Ngọc Nga, Phùng Vĩnh Hoa.
Lê Chân cười tủm tỉm:
– Tất cả kế hoạch chị đã an bài. Biết rằng sau khi cứu Ngũ-kiếm, em sẽ trở
về huyện đường, nên chị cho Vĩnh Hoa đến huyện đường xin yết kiến
Huyện lệnh, xin tội cho cha. Khi Huyện-lệnh làm khó dễ nàng, nàng nhân
đó tố cáo tội lỗi của y để cho lính tráng, lại thuộc biết âm mưu của Huyện
lệnh, hầu sau này Đào lão bá dễ kiềm chế y. Có điều, Vĩnh Hoa phải đóng
vai người không biết võ, hầu qua mắt Ngũ-kiếm. Sau đó, chị cho Ngọc Nga
xuất hiện, làm thân với Ngũ-kiếm, hầu sau này kéo y theo mình.
Phùng Vĩnh Hoa buồn bã:
– Bố em đã chuẩn bị cả rồi. Bao nhiêu tiền bạc, châu báu đều mang theo.
Bây giờ, em theo bố lên huyện Yên-lạc lập nghiệp. Đó là quê mẹ của em.
Ông ngoại em vừa mất nên trang Tiên-nha không người trông coi. Em tới
đấy sẽ huấn luyện tráng đinh, tích trữ lương thảo, chờ ngày khởi nghĩa. Còn
chị Lê Chân, chị nổi danh là Đông-triều nữ hiệp, khắp vùng ai cũng phục.
Chị nên bỏ nghề đánh cá, bỏ bán quán, dành thời giờ để chiêu mộ sĩ tốt,
nuôi ngựa, tích trữ lương thảo. Nếu không làm ngay, khi cuộc khởi nghĩa
bùng lên, em sợ không kịp đâu. Phàm làm tướng phải lo xa tính trước cho
vạn người. Biết những việc người thường không biết được. Nay chị đi đánh
cá, bán hàng, đó là những việc ai mà chả làm được?