Lê Chân nói:
– Em thực là người mưu lược hơn đời, nhìn xa thấy rộng, chị biết lỗi rồi.
Từ nay chị xin nghe lời em.
Nguyệt-điện Đàm Ngọc Nga hỏi:
– Vĩnh Hoa, nếu sau này khởi nghĩa, chị xin làm tiền đạo tướng quân đánh
giặc, còn em, ngồi trong màn mà quyết thắng ngoài ngàn dặm, em phải làm
quân sư mới đúng. Chị Lê Chân sẽ khởi binh ở vùng biển này đánh quặt lên
phía Bắc, chặn đường về của giặc. Bây giờ chị trở về huyện Thanh-hóa
vùng Đà-giang hạ để thu thập 36 động, nuôi ngựa, tích trữ lương thảo.
Đào Thế Hùng nói với Vĩnh Hoa:
– Ta tuy già, nhưng mưu lược không bằng cháu. Hôm qua ta nghe lời Lê
Chân mà làm, nay ta muốn cháu cho ta lời khuyên.
Vĩnh Hoa đứng dậy, chắp tay thưa:
– Lão bá trở về huyện ngay. Lão bá giúp Huyện-lệnh cử người phi ngựa
ngày đêm về Luy-lâu cáo với Thái-thú Tô Định rằng Ngũ-phương kiếm đã
giết Tô Phương, đoạt vàng bạc theo bọn tạo phản. Ở đời, lời nói đầu tiên
bao giờ cũng là lời nói mạnh nhất. Lão bá nhân đó nắm lấy binh quyền ở
Đăng-châu. Lựa con cháu, đệ tử giỏi võ xung vào quân ngũ, nhất là tổ chức
đạo quân của các trang ấp. Khi khởi sự, chỉ việc thí cho Huyện lệnh một
kiếm, hô một tiếng, con em nằm trong quân ngũ, các trang ấp là người của
ta. Bấy giờ lão bá dẫn đội quân Đăng-châu tiến đánh Long-biên, rồi đánh
tập hậu Luy-lâu. Chủ lực chính là lão bá đó. Có điều, những gì chuẩn bị, dù
cho con đẻ, dù cho đệ tử, cũng không nên tiết lộ, rất nguy hiểm.
Nàng quay lại nói với Đào Kỳ, Phương Dung:
– Hiện nay võ công hai em là đệ nhất Lĩnh-nam, phá âm mưu đại hội Tây-
hồ của Tô Định, ngoài hai em, không ai làm nổi. Hai em hãy đuổi theo
Ngũ-kiếm để đi cùng với họ. Ngũ-kiếm về đến Luy-lâu ắt ra mắt Tô Định.
Nhưng Tô đã được tin báo của huyện lệnh Trương Thanh rằng Ngũ-kiếm
làm phản, sẽ sinh nghi ngờ. Nay họ đi với hai em nữa, tất Tô Định sẽ tin lời
Trương Thanh. Bấy giờ hai em chờ Ngũ-kiếm cùng đường mới ra tay cứu
vớt. Như vậy chúng ta gây cho Ngũ-kiếm có thành kiến với bọn quan lại