nghĩ sao nói vậy. Lời đề nghị của nàng làm Nguyễn Phương Dung ngượng
quá, không biết trốn vào đâu cho thoát.
Bà Đào Thế Hùng cũng nói:
– Ừ, cháu cũng đã lớn rồi, bố mẹ cháu hiện không biết ở đâu. Thôi, chú
thím đứng hỏi Nguyễn cô nương cho cháu, để trên đường xuôi ngược, vợ
chồng bên nhau. Chứ cháu tuy là sư huynh của Nguyễn cô nương, mà hai
người cứ đi với nhau như vậy, thì còn ra... thể thống gì nữa? À, thế song
thân Nguyễn cô nương là ai?
Đào Kỳ tường thuật tỉ mỉ tất cả những điều chàng đã trải qua cho chú thím
với các em nghe. Đào Thế Hùng bảo cháu:
– À, thì ra Nguyễn cô nương là con nhà danh gia, Nguyễn Trát với chú là
chỗ giao tình rất hậu. Năm xưa, chú đã đấu với ông trên trăm chưởng.
Từ lúc đến trang, Phương Dung bị hết cô em họ của Đào Kỳ đến bà Thế
Hùng tấn công không đường thoát, bây giờ thấy có chỗ tránh né, nàng đánh
trống lảng:
– Thưa chú, thế cuộc đấu đó ai thắng, ai bại?
Đào Phương Dung reo:
– Đấy nhé, chị đã gọi bố em bằng chú, tức là xong rồi nghe.
Suốt đời Nguyễn Phương Dung chuyên tìm chỗ sơ hở của lời nói người ta
mà tấn công. Nay nàng bị Đào Phương Dung dồn vào chân tường, đành
ngồi chết trân. Nàng nghĩ thầm:
– Cái cô em này dồn mình vào chỗ dẫy không nổi rồi. Không biết cô này đã
thôi chưa đây?
Đào Thế Hùng nói:
– Chúng ta ước hẹn đấu đến 120 chiêu thì thôi, vì vậy, không ai thắng,
không ai bại. Thời gian qua mau thực, mới hôm nào đây, mà nay tóc chúng
ta đã bạc hết rồi. Việc phục quốc thì chưa đi đến đâu cả.
Ngừng một lát, ông tiếp:
– Sau khi đi Mê-linh về, cháu phải đào kho tàng tại đền thờ Hùng-vương
ngay. Biết đâu, một ngày kia, chẳng bị người ta vô tình đào lên lấy mất.
Cháu đem kho tàng về Cối-giang cất để dùng vào việc khởi nghĩa. Còn vụ
cháu với Phương Dung, chú khuyên cháu nên tiến hành sớm thì tốt hơn.