biết ân nhân của gia đình mình, thực vô dụng.
Đào Kỳ nói:
– Người bề trên của tôi khi truyền dạy võ cho Bảo, chắc có nỗi khổ tâm gì
nên dấu diếm đó thôi. Tôi không dám quyết là ai, nhưng khi Bảo nghe tên
tôi, biết là tiểu sư thúc, tôi biết ngay, trong khi truyền thụ võ nghệ cho Bảo,
sư phụ Bảo có đề cập đến tôi. Vì vậy, khi tôi xưng tên, Bảo biết liền.
Hùng Trọng nói:
– Trang Thượng-hồng của chúng tôi trải đã mấy chục đời, lúc nào cũng tự
tại. Gần đây, chúng tôi bị Đinh Công Dũng uy hiếp, muốn thống nhất ba
mươi sáu trang, động thành một châu, dưới sự quản trị của hắn. Tôi với
Trần hầu can đảm chống lại, ngặt vì chúng tôi không biết võ. Hôm nay thấy
Bảo và Năng có võ công, lại bái được minh sư làm thầy, chúng tôi yên tâm
hơn. Hà... chỉ còn mấy hôm nữa là đại hội Mê-linh bàn về việc thống nhất
các động, tôi và Trần hầu sẽ chống lại đến cùng.
Phương Dung hỏi:
– Trong đám thủ hạ của Đinh Công Dũng có những tay nào lợi hại không?
Hùng Trọng đáp:
– Đinh Công Dũng là một đại tôn sư võ học cao nhất vùng này. Tương
truyền y đấu ngang tay với Đặng Thi Kế, chưởng môn phái Tản-viên. Y có
ba anh em được đời tôn là Lôi-sơn tam hùng. Y đứng đầu, thứ đến Đinh
Công Hùng, người mà thiếp hiệp đã gặp. Người này võ công tầm thường
nhưng văn hay chữ tốt, nhiều mưu lắm mẹo. Người thứ ba là Đinh Công
Thấng, võ công còn cao hơn Đinh Công Dũng nữa. Ba anh em làm chủ ba
trang động. Ngoài ra, Công Dũng còn có hai người con. Người con trai tên
Đinh Công Minh, theo học võ với một đại tôn sư vùng Quế-lâm từ nhỏ,
mới trở về. Nghe nói võ công y dường như không kém gì cha, chú. Người
con gái là Đinh Hồng Thanh nhan sắc mặn mà, võ công cũng cao. Ngoài ra,
thủ hạ của ba trang họ Đinh cộng lại cũng đến gần vạn người.
Phương Dung im lặng suy nghĩ, không nói gì.
Sáng hôm sau, Phương Dung vừa dậy, tỳ nữ đã đưa một phong thư cho
nàng:
– Thưa cô nương, có người nhờ đưa cho cô nương phong thư này.