chiến. Thoáng nhìn Phương Dung cũng biết là ngựa của quân Hán, vì nàng
đã thấy ở Long-biên. Trong căn nhà lầu có nhiều tiếng nói lớn vọng ra.
Nàng ren rén lại bên cửa sổ, ghé mắt nhìn vào: Bên trong, Đinh Công Hùng
ngồi đối diện với một người lớn tuổi hơn y một chút, da mặt hồng hào,
khuôn mặt giống hệt y. Nàng đoán là Đinh Công Dũng. Cạnh đó là một
người mặc theo lối quan lại người Hán, tuổi khoảng 25, 26 rất anh tuấn.
Cạnh viên quan Hán là một thiếu nữ mặc theo lối Việt, tuổi khoảng 23-24
nhan sắc diễm lệ. Phương Dung nghĩ thầm:
– Ta tưởng ta với Tường Quy đã là những người đẹp, thế mà so với thiếu
nữ này, chúng ta còn thua xa.
Viên quan Hán lên tiếng hỏi:
– Đinh tiên sinh. Hiện các trang, động Lôi-sơn được khoảng bao nhiêu
tráng đinh? Khi hữu sự tận dụng hết khả năng thì được bao nhiêu?
Đinh Công Dũng lễ phép đáp:
– Thưa Quốc-công, tráng đinh từ 15 tới 40 tuổi được trên ba ngàn. Khi hữu
sự, có thể đạt tới năm ngàn người chiến đấu. Chúng tôi đã huấn luyện,
chuẩn bị để bất cứ lúc nào Quốc-công cần đến, thì có ngay.
Phương Dung giật mình:
–Thì ra viên quan Hán này là Nghiêm Sơn, tước phong Lĩnh Nam công,
Bình Nam đại tướng quân. Trước đây Đào đại ca có nói: Nghiêm Sơn là
người Hán, theo học với phái Quế-lâm. Y cùng Hợp-phố lục hiệp, một đêm
đánh hai mươi trận, bị thương mười lăm lần, cứu Quang Vũ thoát khỏi tay
võ sĩ của Vương Mãng. Rồi một mình y giúp Quang Vũ khởi nghiệp từ
Côn-dương, đánh chiếm năm quận. Tất cả các đại tướng danh tiếng Trung-
nguyên như Đặng Vũ, Ngô Hán, Sầm Bành, Mã Viện đều do một tay y tạo
ra. Sau khi chiếm Kinh-châu, y được Quang Vũ phong cho tước Lĩnh-nam
công, lĩnh Bình-nam đại tướng quân. Y cùng Hợp-phố lục hiệp kinh lược
Lĩnh-nam. Các Thái thú đều quy phục, nhưng vẫn được giữ đất mình như
giang sơn riêng. Chỉ hơn một năm sau, y đã tìm cách loại hết các Thái thú,
nắm lấy binh quyền.
Nghiêm Sơn hỏi Đinh Công Dũng:
– Đinh tiên sinh! Hôm nay tôi lên đường điều tra vụ Ngũ-phương thần