hỗn hợp. Còn quân địa phương của các huyện thì không đáng kể. Với
150,000 quân tinh nhuệ, chúng ta phải làm thế nào mới thắng được?
Phương Dung hỏi:
– Liệu chúng ta co khích Nghiêm đại ca giết Tô Định được chăng?
Trưng Nhị lắc đầu:
– Người Hán muôn đời vẫn là người Hán. Nếu Nghiêm Sơn giết Tô Định
tất phải ly khai với Trung-nguyên. Hán đế sẽ sai quân sang đánh, thế là
người Hán dùng đất Việt làm bãi chiến trường. Nghiêm Sơn bại, đất Việt bị
hao tổn sinh lực vì chiến tranh, làm sao ngóc cổ dậy được? Còn nếu
Nghiêm thắng, y lại trở thành một thứ Triệu Đà thứ nhì mà thôi... Hà, bây
giờ chúng ta tìm chỗ trọ đi là vừa.
Phương Dung cười:
– Thì cứ đến phủ Lĩnh-nam công mà ở, việc gì phải tìm chỗ trọ? Ta đến đó
để được ăn cơm gà, cá gỏi, do bọn Hán hầu hạ. Rồi đêm tới, ta đột nhập
phủ Thái-thú có gì khó đâu?
Rồi nàng hạ thấp giọng:
– Nếu Nghiêm đại ca có hỏi Trưng sư tỷ là ai, chúng ta cứ nói. Đó là đệ tử
của sư thúc Thế Hùng. Vừa qua mặt được Nghiêm, vừa qua mặt được
Thiều Hoa. Nhưng chị nhớ phải kêu Đào đại ca bằng sư huynh đấy nhé.
Ba người ăn xong, hỏi thăm đường tới phủ Lĩnh-nam công. Phủ Lĩnh-nam
công nằm bên bờ sông, rộng mênh mông. Trông xa xa, có hàng trăm nóc
nhà ngói đỏ hiện ra giữa những hàng cây xanh tươi. Giữa các dãy nhà đó,
một dinh thự cao đến ba tầng nổi bật lên trên. Trước tòa nhà cao, có một cái
hồ lớn. Giữa hồ, có một cái đảo nhỏ. Trên đảo dựng một căn nhà thủy tạ, có
cầu bắt vòng vào bờ. Kỵ binh từng đoàn, tuần phòng ngoài hàng rào phủ.
Đào Kỳ thấy vậy, nghĩ thầm:
– Nghiêm đại ca oai thực.
Chàng đi với Trưng Nhị, Phương Dung tới cổng phủ. Lính Hán giữ cửa cản
lại hỏi:
– Các người đi đâu?
Đào Kỳ ngồi yên trên mình ngựa, hất hàm:
– Ta muốn gặp tỷ phu ta là Nghiêm Sơn.