Yên Tử Cư Sĩ Trần Đại Sỹ
Q1 - Anh Hùng Lĩnh Nam
Hồi 22
Oan nay dẫu có kêu trời cũng xa.
(Đoạn-trường tân thanh)
Nghiêm Sơn mời mọi người vào bàn cùng ăn cơm.
Đào Kỳ hỏi:
– Nghiêm đại ca, đại ca đã điều tra ra manh mối về vụ Tô Phương mất tích
chưa? Vụ này lớn lắm chứ không nhỏ đâu.
Nghiêm Sơn lắc đầu:
– Ta đến Đăng-châu được nghe mỗi người nói một khác. Đầu tiên, ta tìm
gặp chủ Anh hùng tửu lâu thì ông ta vì sợ quá, đã bán tửu lâu, cao chạy xa
bay rồi. Ta biết tin ai bây giờ ngoài Huyện-úy? Huyện-úy lại chính là chú
của tiểu đệ, sư thúc của Thiều Hoa. Ông là Đào Thế Hùng. Qua câu
chuyện, ta thấy ông là người chính nhân quân tử, hùng tâm, đại lược. Để
một người văn mô, vũ lược như ông làm một chức Huyện-úy bé bằng hạt
vừng, hạt đậu, trong khi những tên vô lại, trộm cướp như Tô Định lại ngồi
địa vị Thái thú đục khoét của dân… Ta tự thẹn tước phong tới Lĩnh-nam
công, nghĩa đệ của Kiến Vũ thiên tử, mà chưa dám ra tay loại bỏ hết bọn
quan lại người Hán hút máu mủ của dân. Tiểu sư đệ, ngươi cứ chờ đi. Nếu
trong vòng hai năm nữa, ta không thay đổi được cục diện Lĩnh Nam, ta
không phải là người hiệp nghĩa, là Lĩnh-nam công, là nghĩa đệ của thiên tử,
mà là con dòi, con bọ.
Thiều Hoa, Trưng Nhị, Đào Kỳ, Phương Dung nghe những lời Nghiêm Sơn
mà cảm thấy mát cả ruột gan. Trong bọn người ngồi đó, Trưng Nhị và
Phương Dung là người mưu sâu, chí cả. Hai người nhìn nhau, ngụ ý: Đối
với Nghiêm Sơn, phải đem chữ nghĩa ra khích, hơn là chống đối.
Trưng Nhị xen vào:
– Đại ca cho phép tiểu muội được góp một vài lời, được không?
Nghiêm Sơn gật đầu:
– Sư muội với Hoàng muội như tình ruột thịt, có gì mà không nói được?