Đoàn người khởi hành từ tờ mờ sáng, đến khi hoàng hôn, thì xa xa hiện ra
hai dãy núi chặn ngang trước mặt.
Phạm Bách chỉ núi cho Hoàng Thiều Hoa và Đào Kỳ coi rồi nói:
– Kìa là núi Tam-điệp, tẻ ra hai hòn núi Thiết-giáp và Thần-đầu. Giữ hai
ngọn núi là con sông Chính-đại đổ ra cửa biển Thần-phù.
Ghi chú của thuật giả
Vị trí này ngày nay nằm về phía Nam Phủ-lý 79 km, cảnh rất đẹp. Hai hòn
núi Thiết-giáp và Thần-đầu kẹp con sông Đáy vào giữa. Phong cảnh tú nhã,
nữ sĩ Hồ Xuân Hương thấy cảnh sông núi tượng hình cái của quý của đàn
bà, đã tả rằng:
Hai bên thì núi, giữa thì sông,
Có phải đây là Kẽm-trống không?
Theo sách Phong-thuỷ ký thì chỗ con sông bị kẹp, giữa lòng có xoáy nước.
Nếu táng mả tổ tiên vào đây, thì đời đời trong họ sẽ sinh ra những vị nữ lưu
xinh đẹp, làm nghiêng ngửa giang sơn. Vua Thiệu Trị ra Bắc kinh lược,
thấy địa thế kỳ lạ không dám đi qua sợ bi ô uế thân thể một vị đế vương,
bắt dân chúng đào một con sông phía sau núi mà đi.
Hoàng Thiều Hoa mơ màng nhìn giang sơn đẹp như gấm, như hoa, hỏi:
– Cách đây mấy hôm một sư huynh có nói cửa biển Thần-phù ghê sợ lắm,
ai qua đó khó biết rằng sống hay chết. Chỉ người nào phúc lớn mới qua
khỏi mà thôi. Không biết có đúng không?
Phạm Bách đã qua đây nhiều lần rồi, nên rất am tường địa thế:
– Đúng đấy, cửa Thần-phù là nơi nhiều con sông gặp nhau gồm sông Hồng-
hà, sông Mã, sông Vân-sàng, và sông Đáy. Sông thì sâu, nước chảy mạnh,
thành ra những xoáy lớn. Thêm gió từ biển thổi vào ngược chiều xoáy. Hoá
cho nên thuyền bè bị nước xoáy một chiều, gió thổi một chiều, nên hầu hết
đều chìm.
Trời chập choạng tối thì đoàn người đã vượt qua ngọn núi Thiết-giáp, lọt
vào thung lũng núi Thiết-giáp và Thần-đầu. Phạm Bách chỉ cho đệ tử Đào
trang ngủ trong một ngôi đền lớn.
Ngôi đền không biết được xây từ bao giờ. Lớp ngói đỏ đã dầy những rêu
xanh bao phủ. Tường gạch đỏ đã có chỗ lõm vào, tỏ ra đền đã chịu không