Sài-sơn. Tại hạ mắt kém, không nhìn ra vị Thái-bảo nào phía trước?
Nam-hải nữ hiệp nói:
– Tại hạ là Trần Phương Châu.
Cao Cảnh Minh nói:
– Thì ra Đệ-nhất Thái-bảo Sài-sơn, Nam-hải nữ hiệp. Mấy năm nay, lão
phu ở Trường-yên nghe danh hiền đồ là Đông-triều nữ hiệp, Hạ-long tam
hiệp nức tiếng anh hùng, hôm nay mới hân hạnh được tiếp kiến.
Hai phái đoàn chào hỏi, giới thiệu nhau xong, Cao Cảnh Minh hỏi:
– Tiếp được thư của Đặng Thi Sách và Nhị Trưng, lão phu vội đi trước, xá
điệt Cao Cảnh Sơn sẽ xuất lĩnh đệ tử đi sau. Chắc lát nữa sẽ gặp nhau.
Nam-hải nữ hiệp kể lại cho Cao Cảnh Minh nghe hết những gì Đào Kỳ đã
kể cho bà, và nhất là vụ Trịnh Long kể phủ Tế-tác muốn đánh thuốc độc
mọi người. Cao Cảnh Minh râu tóc dựng ngược lên, nói:
– Vậy ta phải cẩn thận.
Ông dặn đệ tử chỉ ăn lương khô, không mua lương thực ở Luy-lâu, nhất
thiết phải nấu ăn, khi nấu ăn phải cử người canh gác cẩn thận.
Đoàn người tới bờ hồ Tây lúc trăng đã nhô lên khỏi ngọn cây, tỏa ánh sáng
vằng vặc xuống mặt hồ. Gió thổi hiu hiu. Mặt hồ lăn tăn gợn sóng như
muôn vàn con rắn vàng bơi lội trên mặt nước.
Tây-hồ là một cái hồ cực lớn, rộng đến mấy trăm mẫu. Hồ có con sông
thông với sông Hồng-hà.
Ghi chú của thuật giả
Thời bấy giờ, hồ Tây bao gồm cả thành phố Hà-nội hiện nay. Sau này đất
bồi lên, hồ bị cắt ra thành những hồ nhỏ như hồ Trúc-bạch, hồ Thuyền-
quang, hồ Hòan-kiêm.
Lê Chân ngắm cảnh hồ, than:
– Đất này là đất kỳ lạ. Nói rằng hùng vĩ cũng có vẻ hùng vĩ, nói rằng có vẻ
tiêu dao cũng có vẻ tiêu dao. Trong cái thơ mộng có cái oai phong, trong
cái oai phong có cái thơ mộng. Đất này phải dùng làm đế đô mới phải.
Nơi đại hội nằm ở phía tây của hồ, ở giữa có một ngọn núi nhỏ. Khu đại hội
được rào chung quanh bằng những cọc tre vững chắc, cao khoảng một
thước. Bốn góc có bốn cái cổng đề rõ: đông, tây, nam, bắc. Trên cổng, mấy