Cứ mỗi lần có một phái đoàn đến là tiếng loa ở cổng trước xướng lên, rồi
tiếng loa ở trung ương cũng xướng theo.
– Sài-sơn đệ tứ Thái-bảo và đệ tử đến.
Đào Kỳ liếc mắt thấy Nguyễn Tam Trinh cùng một đoàn đệ tử đi vào, trong
đó có cả cô bé Tử Vân. Mặc dù xa cách bảy năm, nàng đã lớn lên, nhưng
Đào Kỳ vẫn nhận được mặt. Nguyễn Tam Trinh đến trước đài chắp tay
chào Nam-hải nữ hiệp:
– Đại sư tỷ! Tiểu đệ chậm chân hơn đại sư tỷ một bước rồi.
Nam-hải vui vẻ:
– Tứ sư đệ! Ta ở Đông-triều, nghe tiếng sư đệ đã làm được nhiều điều hiệp
nghĩa, danh tiếng, ta rất kính phục.
Sáng tổ phái Sài-sơn là Phù-đổng Thiên-vương, lấy hiệp nghĩa để sắp xếp
vị thứ, chứ không lấy võ công cao thấp. Từ khi phái thành lập đến nay,
chưa từng xảy ra một việc ô danh môn hộ. Sư huynh, sư đệ đối với nhau
như tình ruột thịt. Cho đến các đệ tử bậc dưới cũng nhường nhịn nhau.
Trong dân chúng đã truyền tụng câu: "Nghĩa Sài-sơn, ơn Cửu-chân". Ý nói
nghĩa hiệp của phái Sài-sơn, ban ơn cho thiên hạ như biển cả. Phái Cửu-
chân cũng chuyên thi ân, bố đức cho thiên hạ. Cho nên, trong suốt các vùng
từ Quế-lâm, Giao-chỉ tới Cửu-chân, Nhật-nam, Hợp-phố và Tượng-quận,
cứ nghe thấy người của Sài-sơn là tỏ lòng kính trọng.
Nguyễn Tam Trinh đến ngồi bên Nam-hải nữ hiệp, chuyện trò. Luật lệ phái
Sài-sơn cũng không quá nghiêm khắc, nên giữa thày trò được tự do trao đổi
tin tức.
Nguyễn Tam Trinh hỏi Lê Chân:
– Tre già măng mọc. Sư thúc nghe danh Đông-triều nữ hiệp cũng thấy hãnh
diện lây. Sư tỷ của ta quả thực mát tay. Đệ tử người nào người nấy giống sư
phụ y hệt.
Xuân Nương lễ phép hướng về Tam Trinh, hỏi:
– Sư thúc, điệt nữ nghe nói sư thúc bắt sống Lĩnh-nam công rồi thả ra, có
đúng như vậy không? Tại sao sư thúc bắt rồi lại thả? Hắn là người cầm
quân ở đất này, sư thúc không sợ hắn mang quân tàn sát mình ư? Người
Hán vốn xảo quyệt và ác độc lắm mà.