– Nam-hải nữ hiệp đã là trọng tài, sao còn ra chiêu?
Trong khi Tô Định thấy Nghiêm Sơn ra tay, cũng nói:
– Quốc công! Người Việt giết nhau chúng ta không nên xen vào.
Nghiêm Sơn vì lòng nghĩa hiệp ra tay cứu Phương Dung đã làm ngược với
kế hoạch của Tô Định, Lê Đạo Sinh và nhóm Nghĩa Nam. Chàng nghĩ
mình là Lĩnh-nam công lại ra tay cứu đệ tử của môn phái phản Hán phục
Việt thì còn ra thể thống gì nữa? Liếc nhìn Tô Định, bằng đôi mắt lạnh
lùng, uy nghiêm của một ông vua, chàng nói chậm chạp:
– Dù Hán, dù Việt, dù người nước nào chăng nữa, cũng phải có luật pháp,
có đạo lý. Khi đã thua, rơi xuống đài, lại còn ỷ đông, lên hai người giữa lúc
người ta trúng thương. Hành vi như vậy là hèn hạ. Ta không muốn trong
đất Lĩnh-Nam của ta có kẻ vô liêm sỉ, đê tiện như vậy, nên mới phải ra tay.
Người Việt, người Hán, người Mèo, người Mường gì chăng nữa cũng là
con dân Đại-hán.
Tô Định cúi đầu:
– Tiểu nhân kính cẩn nghe lời dạy của Quốc-công.
Nghiêm Sơn trở về chỗ ngồi. Qua hành động của Nghiêm Sơn, quần hào
nhìn nhau, như cùng hội ý: Lĩnh-nam công dường như muốn che chở cho
chủ trương phản Hán phục Việt. Trong đầu óc họ nảy ra không biết bao
nhiêu nghi vấn. Bởi vì, từ mấy năm nay, không biết phát xuất ở đâu đã có
dư luận nói rằng Nghiêm Sơn là người Việt chứ không phải người Hán.
Những điều họ được biết chính thức: chàng sinh ở Trường-sa, thân phụ làm
tướng cho Trường-sa vương.
Họ còn biết rõ, Nghiêm là nghĩa đệ của Hán Quang-Vũ. Hiện trong thiên
hạ, Nghiêm chỉ ngồi dưới một mình Kiến-Vũ thiên tử. Các tướng lĩnh của
triều đình Hán như: Sầm Bành, Đặng Vũ, Ngô Hán, Phùng Dị, Mã Viện
đều do một tay Nghiêm đào tạo ra.
Mai Huyền Sương hướng vào phái Hoa-lư, nói:
– Việc của phái Long-biên chúng tôi, xin để chúng tôi giải quyết với nhau.
Tại sao phái Hoa-lư lại can thiệp vào? Món nợ này không biết Cao hầu,
Cao chưởng môn tính sao đây?
Cao Cảnh Sơn mặt đỏ phừng phừng, lớn tiếng: