– Đào hầu, trên đảo hiện có bao nhiêu đệ tử, tráng đinh có thể chiến đấu
được ?
Từ lúc phái đoàn khách đến đảo, Đào Thế Kiệt đã được Đào Kỳ cho biết
Phùng Vĩnh-Hoa là đệ tử của Đệ-tam Thái-bảo Sài-sơn, Tiên-yên nữ hiệp
Trần-thị Phương-Chi. Vĩnh-Hoa cực kỳ thông minh. Bách-gia, Chu-tử,
Tam-giáo, Cửu-lưu, binh pháp thảy đều tinh thông. Nàng lại là người nhiều
mưu kế vô cùng. Ông xuất thân văn võ kiêm toàn, biết dùng binh nên rất có
thiện cảm với Vĩnh-Hoa.
– Tráng đinh, đệ tử ước khoảng 500. Khi cần thiết có thể sử dụng thêm 560
phụ nữ. Tất cả đều được tổ chức thành cơ, đội, thạo thủy chiến lẫn bộ
chiến.
Trưng Nhị nhìn Vĩnh-Hoa gật đầu tỏ vẻ hiểu ý nàng. Vĩnh-Hoa nhìn
Phương-Dung, cũng thấy nàng gật đầu hướng vào Đào Kỳ. Đào Kỳ hỏi cha
:
– Chúng con cần khoảng hai ngàn sợi dây trói giặc, liệu bố có đủ không ?
Đào hầu thấy Trưng Nhị, Vĩnh-Hoa, Phương-Dung, Đào Kỳ gần như có ý
nghĩ giống nhau. Họ chỉ nhìn nhau đã hiểu ý. Họ nói với nhau những lời
mà ông không hiểu hết. Ông mừng trong lòng :
– Ta đã gần 50 tuổi rồi, hậu sinh toàn những người như thế này, việc khôi
phục đất Lĩnh-nam chỉ còn là vấn đề thời gian. Biết ta có còn sống đến
ngày đó để nhìn đất nước sạch bóng quân thù không ?
Ông quay sang hỏi con trưởng :
– Nghi-Sơn có đủ dây không ?
Nghi-Sơn gật đầu :
– Thưa cha, đủ.
Nghiêm Sơn nhìn Phùng Vĩnh-Hoa :
– Phùng cô nương ! Cô hiểu hết rồi ư ?
Vĩnh-Hoa cười :
– Đâu phải mình tôi ? Ở đây ít nhất có thêm ba người nữa hiểu ý đại ca. Vì
vậy tôi phải chuẩn bị giúp đại ca đó mà.
Lê Chân hỏi Trưng Nhị :
–Thế là thế nào ?