rằng Nghiêm gặp thời. Bây giờ, họ mới thấy ở Nghiêm tỏa ra khí phách của
người anh hùng. Đào Thế-Kiệt, Đinh Đại, Trưng Nhị nổi danh anh hùng
Lĩnh-nam bấy lâu, nay thấy Nghiêm Sơn có con mắt tinh đời, dám giao tính
mệnh cho Phương-Dung, một cô gái mới 19, 20 tuổi, khi biết nàng có chân
tài. Với bản lĩnh đó, hèn chi chàng coi sự kèn cựa của Tô Định, âm mưu
hãm hại của Mã thái hậu coi như không có. Bất cứ người nào trong đám
anh hùng có mặt cũng không bằng Nghiêm.
Nghiêm Sơn thản nhiên ngồi uống rượu, nói chuyện với Thiều-Hoa.
Bất chợt Phương-Dung hỏi Đào Thế Kiệt :
– Thưa bố, trên đảo có cờ Hán không ?
– Có, trong trận đánh cảng Bắc, bố cướp được mấy lá cờ Hán, nay vẫn còn.
Phương-Dung vui mừng :
– Như vậy đỡ đổ máu. Xin bố lấy tất cả cờ Hán ra đây. Viết lên cờ hàng chữ
"Bình Nam đại tướng quân, Lĩnh nam công, Nghiêm" thực lớn. Càng mau,
càng tốt.
Thế-Kiệt thấy việc khẩn cấp vội cho làm ngay. Chỉ một lát đã xong ba lá
cờ. Phương-Dung hướng vào Nghiêm Sơn :
– Nghiêm đại ca ! Tất cả những tráng đinh của Lê Đạo-Sinh đều là tráng
đinh của các Lạc hầu thân Hán. Còn binh lính của huyện Ngọc-đường cũng
là binh sĩ Hán. Trên nguyên tắc họ là binh lính của đại ca. Nay Phùng
Chính-Hòa làm phản, tất nói dối binh sĩ là tuân lệnh trên đi tiễu trừ phỉ tặc.
Vì vậy em cho treo cờ hiệu của đại ca ở ba góc đảo. Dù binh sĩ lên chỗ nào
cũng trông thấy cờ. Xin đại ca xuất hiện, nói cho binh sĩ biết, chúng buông
vũ khí, đỡ đổ máu. Sau khi chúng buông vũ khí, đại ca ủy lạo chúng, dùng
chúng làm lực lượng chống Phùng Chính-Hòa.
Trưng Nhị cầm cờ vàng phất một cái. Tốt thứ nhất gồm một trăm đệ tử do
Tường-Loan chỉ huy, dàn ra bãi biển, nơi có quân sắp đổ bộ, dàn phía sau
các ụ cát, trên ụ, cây cối um tùm. Nàng phất hai cái. Tốt thứ nhì, 100 người
do Trần Dương-Đức chỉ huy, tiến ra các ụ cát, mai phục. Nàng phất ba cái.
Tốt thứ ba do Phật-Nguyệt chỉ huy cùng Nghiêm Sơn dàn ra bãi biển, chờ
đợi quân đổ bộ.
Quân đổ bộ dàn thành hàng từ từ tiến lên.