– Lĩnh-Nam vương gia, xin vương gia thương tình giúp tiểu nhân qua cơn
hoạn nạn này !
Nghiêm Sơn lắc đầu :
– Ngũ phương thần kiếm không phải quan lại đất Giao-chỉ, thành ra tôi
không can thiệp vào việc của họ. Họ cũng không phải thần dân đất Lĩnh
nam, tôi không nhân danh Lĩnh-Nam vương xử lý việc của họ. Tô thái thú
đã là bằng hữu của họ, nên điều đình thẳng với họ thì hơn.
Trưng Nhị nhìn Ngũ phương thần kiếm nói :
– Ngũ hiệp, nếu các vị không chê tôi kiến thức thô lậu, để tôi giải quyết vụ
này dùm được không ?
Bạch kiếm chắp tay :
– Trưng cô nương đã cứu anh em chúng tôi, chúng tôi xin để cô nương xử
sự. Cô nương quyết đoán thế nào anh em chúng tôi cũng nghe theo.
Trưng Nhị quay hỏi Tô Định :
– Còn Tô thái thú nghĩ sao ?
Tô Định nghĩ dù Trưng Nhị xử cách nào cũng nhẹ hơn cách của Ngũ kiếm
nên y vội gật đầu :
– Tôi xin kính cẩn nghe lời cô nương.
– Điều này dễ thôi; Người ám hại Ngũ kiếm là Trương Thanh, Huyện-lệnh
Đăng-châu. Vậy Tô thái thú phải xử tội y đã làm mất lòng Ngũ kiếm. Đó là
trừ một món nợ.
Tô Định chắp tay :
– Tôi sẽ xử tử y. Dù Trưng cô nương không đặt vấn đề tôi cũng không tha y
được. Tội y phải giết cả nhà mới đáng.
Trưng Nhị tiếp :
– Trong vụ này người bị khảo đả oan ức nhất là chủ nhân Anh-hùng tửu lâu
Phùng Đại-Niên tiên sinh, thân phụ Đăng-châu nữ hiệp Phùng Vĩnh-Hoa.
Huyện-lệnh Trương Thanh tra khảo tiên sinh tàn bạo, độc ác. Trong khi Tô
công tử bị bắt giam, Ngũ phương thần kiếm tìm cách cứu người, được
Đăng-châu nữ hiệp giúp đỡ đánh Lưu Chương chứ không phải Phùng tiên
sinh hành động. Vậy mà người bị Trương Thanh đổ tội lên đầu, tra tấn và
còn định giết chết. Tô đại nhân nên giúp Ngũ hiệp đền ơn Đăng-châu nữ