có thi thể của Tường-Quy và Minh-Đức. Hẳn hai người chết đuối, xác trôi
đi xa, trước khi Trần Như-Ý chăng lưới vớt xác.
Đào Phương-Dung hiểu tâm sự anh, nàng an ủi :
– Tường-Quy chết chìm như vậy là may. Trương Thanh làm phản, cả nhà
tất bị chém. Liệu anh có can đảm chém Tường-Quy không ?
Đọan nàng sai làm mâm cơm với đầy đủ lễ vật, đem ra bờ sông để Đào Kỳ
tế Tường-Quy. Đào Kỳ đứng trước bàn thờ khói hương nghi ngút, tưởng
nhớ lại khuôn mặt ôn nhu của Tường-Quy, hình ảnh buổi đầu tiên gặp gỡ ở
Thái-hà trang, rồi cùng nhau du lịch cố đô Cổ-loa. Tới khi chàng đi Đăng-
châu thăm nàng, bị đánh một chưởng, đâm một kiếm,... và chàng với
Tường-Quy ở trên hoang sơn một đêm với nhau.
Đợi anh khóc cạn hết nước mắt. Đào Phương-Dung mới kéo anh về huyện
đường. Chàng sai đóng gông giải cả gia đình Trương Thanh và Lưu
Chương về Luy-lâu.
Phùng Vĩnh-Hoa nói :
– Chị thấy ở đây chưa an, lòng người chưa khuất phục, thì chú em và cha
chị làm sao làm việc được ? Muốn người các thuộc cấp Hán nghe lệnh phục
tùng, phải cần đem chém hai người để thị oai.
Thấy Đào Kỳ ngần ngừ, nàng lại nói :
– Đức Khổng phu tử làm tướng nước Lỗ có ba ngày, ngài sai chém gian
thần Thiều Chính-Mão. Đệ tử hỏi sao thầy là người nhân nghĩa mà giết
người ? Ngài trả lời: Cần giết một người, để cứu vạn người. Vậy bây giờ
cần giết hai tên Trương Thanh và Lưu Chương để làm gương cho bọn Hán
quy phục Huyện-lệnh và Huyện-úy.
Đào Kỳ đành chấp thuận. Chàng tập trung dân chúng ngoài chợ, kể tội hai
tên Trương Thanh và Lưu Chương, sai chém đầu, đem bêu khắp các trang.
Còn gia đình giải về Luy-lâu cho Nghiêm Sơn định đoạt.
Trước khi cùng Đào Kỳ trở về Luy-lâu, Phùng Vĩnh-Hoa dặn cha :
– Bố với chú Đào Thế-Hùng giờ đây như chân với tay, giờ con không còn
phải lo lắng gì nữa. Chỉ khi nào có lệnh khởi binh. Bố phải ở nhà giữ huyện
cho chắc, để mình sư thúc tiến quân lên Luy-lâu, bố đừng vì nóng lòng mà
cả hai bỏ đi.