Đào Kỳ cho lệnh Tôn Mạnh rút quân trước, rồi cùng Thiều-Hoa, Lê Chân,
Vĩnh-Hoa, Giao-long nữ lên ngựa trở về Luy-lâu. Tới nơi đã thấy Nghiêm
Sơn và Tô Định thân ra đón. Nghe Thiều-Hoa tường thuật chi tiết trận
đánh, vương gật đầu tỏ ý hài lòng. Vương là một vị tướng không hiếu sát.
Từ khi giúp Quang-vũ đánh dư trăm trận, nhưng bao giờ vương cũng lựa
đường lối ít đổ máu nhất. Khi Thiều-Hoa thuật đến chỗ Tường-Quy và
Trương Minh-Đức chết chìm mất xác, vương không tin :
– Ta nghi tiểu sư đệ thả hai người trốn chạy thì đúng hơn. Địa vị ta là tiểu
sư đệ chắc cũng thả cho họ.
Nhưng khi nghe thuật Đào Kỳ ra sông tế Tường-Quy, Trưng Nhị nói :
– Vậy thì không phải rồi, nếu Tam đệ thả họ đi, chắc y sẽ chịu lỗi với đại
ca, chứ y không làm trò hề, bày cuộc tế vọng, lừa dối chúng ta đâu.
Thiều-Hoa hiểu tính tình Đào Kỳ, vì hai chị em sống bên nhau đã lâu, nàng
cũng đồng ý với Trưng Nhị.
Nghiêm Sơn tưởng thưởng quân sĩ hữu công. Khi điểm danh sách tù binh
không thấy tên Trương Thanh và Lưu Chương, chàng ngạc nhiên và được
Thiều-Hoa cho biết, Đào Kỳ đã nghe lời Vĩnh-Hoa chém hai người giữa
chợ để răn chúng. Vương nhìn Phương-Dung rồi nói với Thiều-Hoa :
– Ở nhà ta với Dung muội cũng ước tính Phùng Vĩnh-Hoa sẽ chém hai tên
này chứ không phải Đào Kỳ.
Vương giao Tô Định xử lý tù nhân gia đình Lưu, Trương và dùng của cải
hai tên này, để phủ tuất nạn nhân của cuộc chiến ở Đăng-châu. Xong chàng
quen lệ hỏi :
– Còn ai khiếu nại điều gì không ?
Giao-long nữ Trần Quốc dơ tay :
– Ai có công cũng được thưởng hết. Tiểu muội lặn dưới nước, đục thuyền,
cắt dây buồm, bắt sống Lưu Chương sao không được vương huynh thưởng
gì hết ?
– Thế sư muội muốn ta thưởng gì ?
–Tiểu muội muốn vương huynh gia phong cho làm đô đốc thủy quân !
– Không được, việc quân không phải việc đùa. Tiểu sư muội mới có 17 tuổi
sao lĩnh được chức Đô đốc? Đợi qua năm 18 tuổi thành người lớn đã !