Giao-chỉ gồm : 4 Quân bộ, 3 Sư kỵ đi cánh thứ nhì. Phụ giúp có các cao
nhân Khất đại phu, Lê Ngọc-Trinh, Quế-Hoa, Quỳnh-Hoa.
– Sư thúc Triệu Anh-Vũ lĩnh ấn Chinh-di đại tướng quân, thống lĩnh đạo
Cửu-chân gồm : 3 Quân bộ, 3 Sư kỵ. Cao nhân theo trợ giúp gồm : Nữ hiệp
Phùng Vĩnh-Hoa, Đàm Ngọc-Nga và Vương phi Hoàng Thiều-Hoa.
– Kỳ dư tất cả đi theo đạo trung quân do vương thống lĩnh !
Trời tháng mười, gió heo may len lỏi trong sương mai. Cây cỏ tiêu sơ.
Miền Bắc Giao-chỉ lạnh buốt xương. Đào Kỳ căn dặn các tướng giữ kỷ luật
nghiêm minh, cấm nhũng nhiễu dân chúng. Đi được hai ngày, quân đến một
thung lũng ở giữa hai dãy núi hùng vĩ, cao chót vót. Phương-Dung nhìn núi
cao, rừng già hỏi :
– Không biết đây là đất Giao-chỉ hay đã sang Quế-lâm rồi ?
Trần Năng chỉ ngọn núi cao chót vót :
– Qua rặng núi này, tới một con sông nữa là địa phận Tiên-yên, nơi hành
hiệp của đệ tam sư thúc ? Vì vậy người có mỹ hiệu là Tiên-yên nữ hiệp.
Suốt dãy Đông-triều bị ảnh hưởng của Cấm-sơn hay Ma tần lĩnh. Cách đây
mấy trăm năm Trung-tín hầu Cao Nỗ tục danh Ông Nồi phá quân Đồ Thư,
giết hơn 50 vạnquân Tần ở đây. Tương truyền quân Tần bị vây hãm, rồi bị
Hầu dùng hỏa công thiêu chết trong khe núi. Xác chết bốc mùi thối hơn
trăm dặm, do đó khi gió lùa đi từ Cấm-sơn ra gây nên bệnh thời khí. Dân
chúng dị đoan cho rằng hồn quân Tần ra hại người, nên lập miếu thờ và gọi
Cấm-sơn là Ma-tần lĩnh.
Ghi chú.
Địa phận này, ngày nay thuộc vùng Chi-lăng.
Đi được một lát, Lê Chân chỉ ngôi miếu lớn gần đường, Đào Kỳ và mọi
người vào miếu. Dân chúng đang đốt nhang vái xì xụp. Họ thấy quan binh
thì tránh dạt sang bên có vẻ sợ hãi. Chợt có người nhận được mặt Lê Chân
reo lên :
– Đông-triều nữ hiệp ! Thì ra là người. Người đi đâu đến đây ?
Lê Chân phủ dụ họ và hỏi han sự tình. Dân chúng đồng nói :
– Cách nay mấy ngày, gió chướng từ Ma Tần lĩnh thổi qua, cả vùng bị
bệnh, chết không biết bao nhiêu mà kể. Chúng tôi phải cúng quảy những